Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến lấy tổ đang phát triển mạnh trong cả nước. Các nhà nghiên cứu khoa học, nhiều doanh nghiệp chuyên về nghề yến sào đã tìm hiểu, nghiên cứu để hình thành nhiều phương pháp, cách thức áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình nuôi và pháp triển đàn chim yến, tạo nên những hiệu quả to lớn trong quá trình gây đàn, phát triển quy mô đàn chim và chất lượng sản phẩm tổ yến.
Theo các nhà khoa học, đàn chim yến tại Việt Nam chia làm 2 nhóm: Nhóm chim yến đảo được phân bố ngoài tự nhiên tại các đảo, hoàn toàn hoang dã vì chúng chỉ cư trú ở trong hang, nơi kiếm mồi phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Nhóm chim yến nhà được xem là bán hoang dã vì chúng cư trú trong các ngôi nhà do con người xây dựng nhưng nơi kiếm mồi vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều cần có sự tác động của con người về mặt kỹ thuật để cải tạo, bổ sung các yếu tố môi trường sinh sống, tăng điều kiện sinh trưởng và làm tổ của chúng.
Các nhà khoa học nghiên cứu về chim yến đánh giá, tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của Việt Nam rất lớn, khi bờ biển dài trên 3.440 km, có gần 4.000 hòn đảo và nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo vịnh, đầm phá, là những lợi thế để phát triển quần thể chim yến hàng (yến đảo). Chỉ riêng vùng duyên hải Nam Trung bộ, nơi tập trung phần lớn các đàn chim yến tự nhiên, đã có hơn 220 hang yến đảo tự nhiên, phần lớn nằm trên các đảo ven bờ.
Bên cạnh đó, hơn mười năm gần đây, nghề nuôi yến trong nhà để lấy tổ với mục đích thương mại đã phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có hơn 40 tỉnh, thành phố hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, nhiều nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là khu vực Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung; một số nhà yến cũng đã xuất hiện ở Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Hồng...
Tỉnh Khánh Hòa có nghề yến sào phát triển từ lâu đời với sản lượng lớn nhất và chất lượng tốt nhất cả nước. Công ty Yến sào Khánh Hòa là doanh nghiệp nhà nước, là đơn vị duy nhất được UBND tỉnh Khánh Hòa giao quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên yến sào của địa phương từ khá sớm. Qua hơn 30 năm phát triển, Công ty đã khẳng định là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác quản lý, khai thác và bảo tồn nguồn tài nguyên yến sào đảo yến thiên nhiên. Từ một đơn vị ban đầu chỉ chuyên khai thác yến sào tại các đảo tự nhiên, đến nay Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đầu tư nghiên cứu khoa học, áp dụng bí quyết kỹ thuật di đàn chim yến, phát triển hang yến mới trên vùng biển Khánh Hòa và nhiều nơi trong cả nước. Nhiều công trình nghiên cứu như: “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến trong nhà ở tỉnh Khánh Hòa”, “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”, đến đề tài khoa học cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen chim yến đảo (Aerodramus fuciphagus germani oustalet, 1878) phục vụ phát triển bền vững nghề chim yến của Việt Nam”... của Công ty Yến sào Khánh Hoà đã được áp dụng một cách có hiệu quả.
Doanh nghiệp cũng chủ động nghiên cứu, thực hiện quy trình kỹ thuật phát triển hang yến mới gắn liền với các giải pháp tăng nhanh quần thể chim yến hang. Nhờ đó, từ 8 đảo yến với 40 hang yến ban đầu, đến nay công ty đã di đàn, nhân đàn quần thể chim yến thành công với 24 đảo gồm 129 hang yến mới, nâng tổng số hang yến lên đến 169 hang với 32 đảo yến. Việc bảo tồn, phát triển các đàn chim yến sống trên các đảo tự nhiên ngày càng được mở rộng quy mô, với sản lượng khai thác mỗi năm gần đây đạt gần 5.000kg.
Những người nuôi chim yến đảo còn đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng nhiều thành tựu kỹ thuật để ứng phó với nhiều vấn đề đặt ra từ biến đổi khí hậu, giúp bảo vệ thành công từng hang yến và góp phần tăng nhanh quần thể chim yến đảo nói chung. Đó là phương pháp làm mái che cho hang yến, tạo đập chắn sóng biển tại các cửa hang yến đang cư trú, làm lưới giảm áp lực sóng tại khu vực hang yến… Chẳng hạn như với giải pháp đập chắn sóng cho thấy hầu hết các hang đảo nuôi chim yến hiện nay đều bị ảnh hưởng trực tiếp của sóng biển, sóng biển đánh vào hang làm chảy tổ, tăng độ ẩm trong hang ảnh hưởng tới nơi cư trú của chim yến. Giải pháp làm đập chắn sóng hay lưới chắn sóng sẽ giảm thiểu tác động của sóng biển đến hang yến, tạo môi trường sống ổn định, an toàn cho chim yến cư trú, làm tổ và sinh sản.
Đối với việc phát triển yến nuôi trong nhà, kiến thức khoa học và kỹ thuật cũng được đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng trong gần 10 năm qua. Một số doanh nghiệp, cá nhân đã sáng tạo và áp dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ cao trong quá trình nuôi như kỹ thuật ấp nở nhân tạo trứng chim yến, kỹ thuật nuôi nhân tạo chim yến non, kỹ thuật sản xuất thức ăn cho chim yến giai đoạn nuôi nhân tạo; kỹ thuật dẫn dụ, di đàn, kỹ thuật xây dựng nhà nuôi… đến nay đã trở nên phổ biến và cần thiết. Mới đây, dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên” do Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật Phú Yên chủ trì đã thành công bước đầu, đem lại hiệu quả cao cho người đầu tư.
Qua số liệu khảo sát, tại một số địa phương như Kiên Giang, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh… mỗi nơi có số lượng nhà yến trên 500 nhà, đạt sản lượng thấp nhất trên 2.000 kg/năm, có nơi đạt cao như Thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng trên 14,3 tấn (năm 2018). Các nhà nghiên cứu cho biết, qua khảo sát cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi yến trong nhà của nước ta còn rất lớn. Nhiều tỉnh, thành phố có lợi thế về tự nhiên để phát triển, tạo việc làm và và là nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi.
Ngoài những kết quả bước đầu trong nghề nuôi chim yến, theo ông Đào Tứ Xuyên - nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước ở lĩnh vực này còn chưa đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng so với nhu cầu từ các hoạt động phát triển bền vững quần thể chim yến và mở rông quy mô, chất lượng sản phẩm của nghề này.
Có cùng hướng phân tích, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Công Hoạt (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, từ trước đến nay chưa có những nghiên cứu khoa học một cách bài bản về di truyền, phân loại học của chim yến tại các địa phương trong cả nước. Vì vậy thiếu các luận cứ khoa học để làm cơ sở cho việc định hướng bảo vệ và phát triển quần thể đàn chim yến quý của Việt Nam. Trong khi đó phân loài chim yến tại khu vực Khánh Hòa và Côn Đảo là phân loài chim yến hang quý hiếm, có khả năng là một phân loài yến đặc hữu của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), một trong những giải pháp lâu dài cho nghề nuôi yến là cần có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có kinh nghiệm về nuôi chim yến, nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhân nhanh đàn, biện pháp phòng trừ dịch bệnh, công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến. Bên cạnh đó, cần phải áp dụng công nghệ hiện đại kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của các cá nhân, tổ chức về thành quả nghiên cứu khoa học phát triển nghề nuôi chim yến.
Tiên Minh