“Mỏ vàng trắng” trong nhà
Những mẩu chuyện từ hơn mười năm trước, về việc chim yến vào làm tổ một cách tự nhiên ở một số ngôi nhà: 155 Thống Nhất, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); 21 – 23 Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); Nhà hát Thanh Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận)… nay đã trở thành những tư liệu trong các công trình nghiên cứu về phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Trong thực tế, nghề này nay đã tạo nên một làn sóng mới về đầu tư sản xuất đầy triển vọng, có sức lan tỏa khá lớn.
Tại một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam”, được tổ chức tháng 6 vừa qua ở Khánh Hòa, nhóm các đại biểu đến từ các tỉnh miền Bắc kể câu chuyện có thật diễn ra tại thành phố Hà Tĩnh. Trên đường Hoàng Diệu, một ngôi nhà mặt tiền rộng 8 mét, chủ nhà cho một ngân hàng thuê làm trụ sở, phần đất phía sau chủ nhà xây một căn nhà 4 tầng vào năm 2012.
Trong lúc đang hoàn thiện nhà thì có nhiều chim yến bay đến đập vào cửa kính. Nhiều con bay được vào nhà thì bám lên trần tường, khiến chủ nhà quyết định dành 80m2 nhà cho chim đến ở. Từ đó hàng năm nhà yến này đã thu được một lượng tổ yến khá đều. Sự may mắn này phần nào cho thấy, không chỉ có những tỉnh vốn rất giàu “tiềm năng” để nuôi yến, tiêu biểu như Khánh Hòa, mà ngay cả những vùng đất mới, nếu lành, chim yến cũng có thể tụ về trú ngụ.
Theo số liệu điều tra vào thời điểm tháng 6/2014, cả nước có 30 tỉnh, thành phố nuôi chim yến trong nhà với tổng số lượng trên 2.610 nhà yến, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh…
Ba năm sau đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) và Thạc sĩ Hồ Thị Loan (Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam), đến tháng 3/2017, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố phát triển nghề nuôi yến trong nhà, với tổng số trên 5.060 nhà yến.
Trong đó các địa phương thuộc khu vực phía Nam như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang mỗi nơi có từ 550 - 700 nhà yến. Miền Trung mạnh nhất là các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, khi mỗi tỉnh đều có trên 200 nhà yến và đây là những địa phương đã quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để phát triển nghề trong tương lai.
Điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây, các tỉnh, thành phía Bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, kể cả các tỉnh Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai cũng đã bắt đầu hình thành nghề nuôi yến trong nhà.
Nắm bắt cơ hội này, với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước duy nhất được giao trách nhiệm quản lý, khai thác yến sào trên các đảo tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa, cũng là địa phương có số lượng hang yến tự nhiên và sản lượng yến sào cao nhất nước, nhiều năm qua Công ty yến sào Khánh Hòa đã đầu tư triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phục vụ quá trình nuôi yến trong nhà.
Đáng kể đến là các công trình: “Quy trình ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến qua từ giai đoạn phát triển”, “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”, “Nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim con và phát triển bầy đàn chim yến nuôi trong nhà”… đều đạt kết quả tích cực.
Áp dụng vào thực tiễn, Công ty yến sào Khánh Hòa xây dựng thành công trên 500 nhà yến cho các hộ dân, doanh nghiệp trên toàn quốc; tư vấn và chuyển giao kỹ thuật đối với hơn 700 nhà yến khác tại Thanh Hóa, Cà Mau, Phú Quốc, Kiên Giang, Phú Yên, Đăk Lăk… tạo nền móng cho một nghề mới đòi hỏi khắc khe về quy trình sản xuất và hàm lượng khoa học, kỹ thuật khá cao ở nhiều địa phương.
Gia đình chị Đặng Thị Thanh Hằng, tổ dân phố Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa là một ví dụ. Năm 2005 gia đình chị xây dựng nhà yến, sau khi được các chuyên gia của Công ty Yến sào Khánh Hòa hướng dẫn kỹ thuật và lắp đặt thiết bị, chị đã thả chim mồi, chỉ thời gian ngắn đàn yến lần lượt kéo về và không ngừng tăng lên. Hiện gia đình chị mở rộng và sở hữu ba ngôi nhà yến, đều thành công khi hàng chục nghìn con chim yến liên tục nhả "vàng trắng", để mỗi năm chị Hằng thu về trên 300kg tổ yến, trị giá nhiều tỷ đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng Sơn – Trường Đại học sư phạm Hà Nội, người dành không ít thời gian cho nghiên cứu khoa học về chim yến, nói: “Sau hơn mười năm phát triển, nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam từ chỗ phải mò mẫm tìm hiểu, tự thử nghiệm hoặc nhập khẩu công nghệ, vật liệu từ nước ngoài đã dần nghiên cứu hoàn chỉnh cơ sở khoa học, công nghệ để chủ động phát triển nghề này trên quy mô rộng, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương”.
Hướng nào cho nghề nuôi yến tương lai?
Tuy đạt được một số kết quả khả quan, nhưng số lượng nhà yến ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, ít hơn nhiều lần so với các nước đi đầu trong phát triển nghề nuôi chim yến trong khu vực, như 200.000 nhà yến tại Indonesia, 10.000 nhà yến ở Thái Lan và 60.000 nhà yến ở Malaysia. Nhìn vào bản đồ các nước Đông Nam Á, các vùng có chim yến sinh sống phần lớn nằm ven biển Andaman (một vùng nước ở Đông nam vịnh Pengal), vịnh Thái Lan và Biển Đông. Lợi thế này cho thấy một thời gian dài Việt Nam đã “chối bỏ” món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng.
Điều kiện sinh cảnh lý tưởng cho yến sinh sống và phát triển bầy đàn là trong vùng có nhiều rừng (vườn) cây, có diện tích lớn mặt nước, có đồng lúa, bụi cây thấp và khí hậu nóng ẩm. Theo các nhà nghiên cứu, các tỉnh Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế hơn cả, bởi điều kiện tự nhiên ở các vùng này rất thuận lợi, hội đủ các yếu tố cho chim yến phát triển, có khả năng nhà yến cho năng suất cao.
Tuy vậy, nghề nuôi yến có mức đầu tư ban đầu khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng và phải có thời gian để chim phát triển bầy đàn mới có thể thu hoạch tổ. Chúng phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư, yếu tố tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và cách quản lý, khai thác. Trong bối cảnh số lượng nhà yến đang gia tăng, việc quy hoạch phát triển bền vững nghề nuôi chim yến cũng như quần đàn chim yến nhà là điều cần phải tính đến, trong đó nhất thiết phải có sự quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ mới ban hành Thông tư 35/2013/TT-BNN&PTNT, quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Do đó không ít nhà khoa học, doanh nghiệp và cả người nuôi yến cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành văn bản chính thức, quy định cụ thể về quản lý nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa, gợi mở: Khi đã xác định rõ định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến mang quy mô quốc gia, các địa phương trong toàn quốc cần phối hợp thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ ở mỗi tỉnh, tránh hiện tượng xây nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề nói chung và lợi ích của mỗi thành viên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn, lưu ý thêm: “Việc quy hoạch các vùng nuôi yến cần tách biệt khu vực xây dựng nhà yến ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Với các tỉnh hiện có số lượng nhà yến lớn như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang cũng nên phát triển ở mức độ vừa phải, bởi lẽ sự cân bằng giữa nguồn thức ăn tự nhiên cho chim yến và chất lượng, năng suất tổ yến cũng là vấn đề cần tính đến.
Với những vùng nuôi yến ở phía Bắc mới hình thành, như: Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình gặp phải trở ngại về thời tiết mùa đông giá lạnh. Làm thế nào để trong mùa đông chim yến vẫn kiếm được mồi với đặc điểm sinh thái vừa bay vừa bắt mồi, là một vấn đề tiếp tục được nghiên cứu.”
Đi sâu vào một vấn đề chi tiết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa Tào Anh Tuấn nêu lên yêu cầu cụ thể, cần phải tích cực trồng cây, khôi phục rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nhất là rừng cây phòng hộ ven biển, trên các đảo, rừng ngập mặn để tạo ra một lượng côn trùng là thức ăn chính cho chim yến. Có như vậy mới từng bước kết nối để hình thành những vùng sinh cảnh phù hợp với các bầy đàn và quần thể chim yến đến kiếm ăn và làm tổ sinh sống lâu dài.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn tiếp tục tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nuôi chim yến, kể cả lĩnh vực chế biến, nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm yến sào. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh mạnh, việc bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm yến sào của từng địa phương, từng doanh nghiệp cũng cần được chú trọng để đảm bảo uy tín, chất lượng cho các sản phẩm yến của Việt Nam, vốn được thị trường quốc tế lâu nay đánh giá cao./.
Những mẩu chuyện từ hơn mười năm trước, về việc chim yến vào làm tổ một cách tự nhiên ở một số ngôi nhà: 155 Thống Nhất, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); 21 – 23 Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); Nhà hát Thanh Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận)… nay đã trở thành những tư liệu trong các công trình nghiên cứu về phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Trong thực tế, nghề này nay đã tạo nên một làn sóng mới về đầu tư sản xuất đầy triển vọng, có sức lan tỏa khá lớn.
Tại một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam”, được tổ chức tháng 6 vừa qua ở Khánh Hòa, nhóm các đại biểu đến từ các tỉnh miền Bắc kể câu chuyện có thật diễn ra tại thành phố Hà Tĩnh. Trên đường Hoàng Diệu, một ngôi nhà mặt tiền rộng 8 mét, chủ nhà cho một ngân hàng thuê làm trụ sở, phần đất phía sau chủ nhà xây một căn nhà 4 tầng vào năm 2012.
Theo dõi chim yến phát triển trong quá trình ấp nở nhân tạo chim yến của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN |
Trong lúc đang hoàn thiện nhà thì có nhiều chim yến bay đến đập vào cửa kính. Nhiều con bay được vào nhà thì bám lên trần tường, khiến chủ nhà quyết định dành 80m2 nhà cho chim đến ở. Từ đó hàng năm nhà yến này đã thu được một lượng tổ yến khá đều. Sự may mắn này phần nào cho thấy, không chỉ có những tỉnh vốn rất giàu “tiềm năng” để nuôi yến, tiêu biểu như Khánh Hòa, mà ngay cả những vùng đất mới, nếu lành, chim yến cũng có thể tụ về trú ngụ.
Theo số liệu điều tra vào thời điểm tháng 6/2014, cả nước có 30 tỉnh, thành phố nuôi chim yến trong nhà với tổng số lượng trên 2.610 nhà yến, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh…
Ba năm sau đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) và Thạc sĩ Hồ Thị Loan (Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam), đến tháng 3/2017, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố phát triển nghề nuôi yến trong nhà, với tổng số trên 5.060 nhà yến.
Trong đó các địa phương thuộc khu vực phía Nam như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang mỗi nơi có từ 550 - 700 nhà yến. Miền Trung mạnh nhất là các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, khi mỗi tỉnh đều có trên 200 nhà yến và đây là những địa phương đã quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để phát triển nghề trong tương lai.
Điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây, các tỉnh, thành phía Bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, kể cả các tỉnh Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai cũng đã bắt đầu hình thành nghề nuôi yến trong nhà.
Nắm bắt cơ hội này, với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước duy nhất được giao trách nhiệm quản lý, khai thác yến sào trên các đảo tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa, cũng là địa phương có số lượng hang yến tự nhiên và sản lượng yến sào cao nhất nước, nhiều năm qua Công ty yến sào Khánh Hòa đã đầu tư triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phục vụ quá trình nuôi yến trong nhà.
Đáng kể đến là các công trình: “Quy trình ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến qua từ giai đoạn phát triển”, “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”, “Nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim con và phát triển bầy đàn chim yến nuôi trong nhà”… đều đạt kết quả tích cực.
Áp dụng vào thực tiễn, Công ty yến sào Khánh Hòa xây dựng thành công trên 500 nhà yến cho các hộ dân, doanh nghiệp trên toàn quốc; tư vấn và chuyển giao kỹ thuật đối với hơn 700 nhà yến khác tại Thanh Hóa, Cà Mau, Phú Quốc, Kiên Giang, Phú Yên, Đăk Lăk… tạo nền móng cho một nghề mới đòi hỏi khắc khe về quy trình sản xuất và hàm lượng khoa học, kỹ thuật khá cao ở nhiều địa phương.
Tổ yến thu hoạch được tại nhà yến của gia đình chị Đặng Thị Thanh Hằng, trú tổ dân phố Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN |
Gia đình chị Đặng Thị Thanh Hằng, tổ dân phố Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa là một ví dụ. Năm 2005 gia đình chị xây dựng nhà yến, sau khi được các chuyên gia của Công ty Yến sào Khánh Hòa hướng dẫn kỹ thuật và lắp đặt thiết bị, chị đã thả chim mồi, chỉ thời gian ngắn đàn yến lần lượt kéo về và không ngừng tăng lên. Hiện gia đình chị mở rộng và sở hữu ba ngôi nhà yến, đều thành công khi hàng chục nghìn con chim yến liên tục nhả "vàng trắng", để mỗi năm chị Hằng thu về trên 300kg tổ yến, trị giá nhiều tỷ đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng Sơn – Trường Đại học sư phạm Hà Nội, người dành không ít thời gian cho nghiên cứu khoa học về chim yến, nói: “Sau hơn mười năm phát triển, nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam từ chỗ phải mò mẫm tìm hiểu, tự thử nghiệm hoặc nhập khẩu công nghệ, vật liệu từ nước ngoài đã dần nghiên cứu hoàn chỉnh cơ sở khoa học, công nghệ để chủ động phát triển nghề này trên quy mô rộng, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương”.
Hướng nào cho nghề nuôi yến tương lai?
Tuy đạt được một số kết quả khả quan, nhưng số lượng nhà yến ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, ít hơn nhiều lần so với các nước đi đầu trong phát triển nghề nuôi chim yến trong khu vực, như 200.000 nhà yến tại Indonesia, 10.000 nhà yến ở Thái Lan và 60.000 nhà yến ở Malaysia. Nhìn vào bản đồ các nước Đông Nam Á, các vùng có chim yến sinh sống phần lớn nằm ven biển Andaman (một vùng nước ở Đông nam vịnh Pengal), vịnh Thái Lan và Biển Đông. Lợi thế này cho thấy một thời gian dài Việt Nam đã “chối bỏ” món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng.
Điều kiện sinh cảnh lý tưởng cho yến sinh sống và phát triển bầy đàn là trong vùng có nhiều rừng (vườn) cây, có diện tích lớn mặt nước, có đồng lúa, bụi cây thấp và khí hậu nóng ẩm. Theo các nhà nghiên cứu, các tỉnh Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế hơn cả, bởi điều kiện tự nhiên ở các vùng này rất thuận lợi, hội đủ các yếu tố cho chim yến phát triển, có khả năng nhà yến cho năng suất cao.
Tuy vậy, nghề nuôi yến có mức đầu tư ban đầu khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng và phải có thời gian để chim phát triển bầy đàn mới có thể thu hoạch tổ. Chúng phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư, yếu tố tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và cách quản lý, khai thác. Trong bối cảnh số lượng nhà yến đang gia tăng, việc quy hoạch phát triển bền vững nghề nuôi chim yến cũng như quần đàn chim yến nhà là điều cần phải tính đến, trong đó nhất thiết phải có sự quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ mới ban hành Thông tư 35/2013/TT-BNN&PTNT, quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Do đó không ít nhà khoa học, doanh nghiệp và cả người nuôi yến cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành văn bản chính thức, quy định cụ thể về quản lý nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa, gợi mở: Khi đã xác định rõ định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến mang quy mô quốc gia, các địa phương trong toàn quốc cần phối hợp thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ ở mỗi tỉnh, tránh hiện tượng xây nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề nói chung và lợi ích của mỗi thành viên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn, lưu ý thêm: “Việc quy hoạch các vùng nuôi yến cần tách biệt khu vực xây dựng nhà yến ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Với các tỉnh hiện có số lượng nhà yến lớn như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang cũng nên phát triển ở mức độ vừa phải, bởi lẽ sự cân bằng giữa nguồn thức ăn tự nhiên cho chim yến và chất lượng, năng suất tổ yến cũng là vấn đề cần tính đến.
Với những vùng nuôi yến ở phía Bắc mới hình thành, như: Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình gặp phải trở ngại về thời tiết mùa đông giá lạnh. Làm thế nào để trong mùa đông chim yến vẫn kiếm được mồi với đặc điểm sinh thái vừa bay vừa bắt mồi, là một vấn đề tiếp tục được nghiên cứu.”
Chim yến bay rợp trời tại một nhà yến trên đường Thống Nhất, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN |
Đi sâu vào một vấn đề chi tiết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa Tào Anh Tuấn nêu lên yêu cầu cụ thể, cần phải tích cực trồng cây, khôi phục rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nhất là rừng cây phòng hộ ven biển, trên các đảo, rừng ngập mặn để tạo ra một lượng côn trùng là thức ăn chính cho chim yến. Có như vậy mới từng bước kết nối để hình thành những vùng sinh cảnh phù hợp với các bầy đàn và quần thể chim yến đến kiếm ăn và làm tổ sinh sống lâu dài.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn tiếp tục tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nuôi chim yến, kể cả lĩnh vực chế biến, nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm yến sào. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh mạnh, việc bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm yến sào của từng địa phương, từng doanh nghiệp cũng cần được chú trọng để đảm bảo uy tín, chất lượng cho các sản phẩm yến của Việt Nam, vốn được thị trường quốc tế lâu nay đánh giá cao./.
Tiên Minh