Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giúp ổn định việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Đào tạo nghề đúng với nhu cầu
Xã biển Thanh Hải, huyện Ninh Hải, có gần 2.200 hộ với trên 9.300 khẩu, trong đó khoảng 65% cư dân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ngư nghiệp. Thời gian qua, thực hiện chính sách phát triển kinh tế biển của Trung ương và địa phương, xã tập trung vào các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản.
Ông Đào Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết, để nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản, cùng với triển khai các chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá, hàng năm, xã phối hợp với Chi cục Thủy sản và các ngành, đơn vị tổ chức nhiều lớp đào tạo cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên cho hàng trăm lượt ngư dân, giúp bà con làm chủ được tàu cá công suất lớn, nâng cao kỹ năng khai thác và đủ điều kiện pháp lý để hành nghề khai thác trên biển.
Toàn xã hiện có trên 400 phương tiện tham gia khai thác hải sản, trong đó 98 tàu có chiều dài 15 mét trở lên; riêng đội tàu đóng theo Nghị định 67 dài 24 mét có 12 chiếc tham gia khai thác vùng khơi. Việc triển khai đồng bộ các chính sách đã tạo nên những thay đổi đáng kể, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Ngư dân Đào Nhật Định (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải), chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, công suất 829 CV, cho biết: "Được sự quan tâm của Nhà nước, chúng tôi tham gia học các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; thuyền viên được học cách sử dụng các trang thiết bị hàng hải hiện đại, giúp cho việc khai thác hải sản trên các ngư trường đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trung bình mỗi chuyến biển đánh bắt được hàng chục tấn hải sản, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 2 tỷ đồng/năm."
Để đa dạng hóa ngành nghề đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, Ninh Thuận đã xây dựng danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm 192 nghề, trong đó 110 nghề nông nghiệp, 9 nghề phi nông nghiệp, 24 nghề thương mại dịch vụ, 14 nghề tiểu thủ công nghiệp, 35 nghề đặc thù.
Bên cạnh đó, tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo 17 nghề ở trình độ cao đẳng, 10 nghề trình độ trung cấp, 187 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, với quy mô đào tạo nguồn nhân lực khoảng 9.000 người/năm.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã đào tạo nghề cho 35.289 lao động nông thôn với tổng kinh phí trên 61,2 tỷ đồng; 28.743 lao động nông thôn sau học nghề đã có việc làm, đạt 81,45%.
Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhờ xác định được những hình thức đào tạo phù hợp với người lao động, nên đa số học viên sau khi học nghề đã có việc làm, biết cách vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Một số lao động có tay nghề sau đào tạo còn được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, dịch vụ, được xuất khẩu lao động hoặc chuyển nghề, giúp người lao động nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo tại khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán và tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm của người lao động sau học nghề. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nên công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn.
Chất lượng đào tạo nghề dài hạn từng bước được nâng cao song tình trạng thiếu lao động có trình độ tay nghề cao vẫn còn phổ biến. Việc đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng cho lao động nông thôn đa số là được dạy lưu động tại các xã, chất lượng đào tạo còn hạn chế, người học sau khi tốt nghiệp có việc làm với mức thu nhập không cao nên việc duy trì việc làm còn thiếu tính bền vững.
Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề, lập nghiệp còn chưa đầy đủ, một số còn có tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, lao động là người dân tộc thiểu số còn có tâm lý ngại học nghề, đi làm xa nhà. Nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề lao động nông thôn của tỉnh chủ yếu dựa vào ngân sách của Trung ương, công tác xã hội hóa dạy nghề còn hạn chế... Đây là những khó khăn cần sớm được quan tâm tháo gỡ.
Hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo
Giai đoạn 2021-2025, Ninh Thuận đề ra mục tiêu tuyển mới đào tạo nghề cho 45.000 lao động; đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp 6.500 người, đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 38.500 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 13.000 người. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.
Theo ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ngành lao động đang tăng cường phối hợp các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo phù hợp cho lao động nông thôn.
Các cơ sở đào tạo nghề tập trung chuyển đổi từ dạy nghề theo năng lực đào tạo sang dạy nghề theo yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động; trong đó chú trọng đào tạo lực lượng lao động trẻ có chuyên môn đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung đào tạo các nghề phục vụ nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu; ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đối với nghề phi nông nghiệp, tỉnh tập trung đào tạo nghề theo đặt hàng của các doanh nghiệp, làng nghề, các nghề du lịch, dịch vụ và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động.
Để đạt mục tiêu đề ra, Ninh Thuận đang đẩy mạnh huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề, xây dựng chương trình, giáo trình đạt chuẩn, đầu tư trang thiết bị dạy nghề. Tỉnh tăng cường gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nghề và tuyển dụng. Các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường tuyển dụng lao động của các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động.
Tỉnh cũng chú trọng triển khai các biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút các doanh nghiệp đầu tư khu vực nông thôn. Đồng thời, địa phương có các cơ chế, chính sách hỗ trợ người học nghề vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chú trọng tạo cơ hội việc làm cho người học ngay trên địa bàn, hỗ trợ các đối tượng lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tìm các công việc mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nguyễn Thành