Ngày 26/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” giai đoạn 2010 - 2020.
Thực hiện Quyết định số 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", sau 10 năm triển khai, Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực ở tỉnh Đắk Lắk. Nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động tỉnh Đắk Lắk về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thay đổi rõ rệt. Từ chỗ học theo phong trào, học chỉ để biết, người lao động đã chủ động lựa chọn nghề, tham gia học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Ban Chỉ đạo Đề án các cấp trên địa bàn tỉnh đã điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để giải quyết vấn đề tạo việc làm sau khi học.
Kết quả, giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 1.022 lớp dạy nghề cho 35.629 lượt lao động nông thôn, tổng kinh phí trên 105 tỷ đồng; trong đó, hơn 82% lao động nông thôn được đào tạo nghề có việc làm mới hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất và thu nhập tăng. Qua thực hiện Đề án, tại tỉnh Đắk Lắk đã hình thành một số mô hình có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đang được triển khai nhân rộng như: trồng và khai thác nấm, trồng nấm dược liệu, chăm sóc da và làm đẹp, trồng và chăm sóc cây tiêu, may công nghiệp, chăn nuôi thú y… Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, Đắk Lắk phấn đấu đào tạo nghề cho 20.000 lượt lao động nông thôn; trong đó, nghề nông nghiệp cho 12.000 người, phi nông nghiệp 8.000 người. Số nghề đào tạo là 110 nghề, trong đó nghề nông nghiệp 46 nghề, nghề phi nông nghiệp 64 nghề. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Tại hội nghị, đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như: chỉ tiêu đào tạo nghề chưa đạt kế hoạch đề ra; tình trạng thừa giáo viên văn hóa nhưng thiếu giáo viên dạy nghề; trang thiết bị, máy móc đã cấp 10 năm nay hiện đã hư hỏng, lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu học nghề và thực hành. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa xác định rõ đối tượng ưu tiên đào tạo nghề, chưa quan tâm đến các yếu tố đặc thù về lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số để sử dụng, phát huy nghề được học vào thực tiễn cuộc sống; việc phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án các cấp chưa được hiệu quả; cần mở lớp giám định nghề cho nghệ nhân để có thể dạy nghề thổ cẩm và cồng chiêng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua. Thời gian tới, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu việc làm qua đào tạo nhằm định hướng nghề nghiệp - việc làm sát thực, có các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xác định “lấy chất lượng và hiệu quả là mục tiêu hàng đầu” gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xây dựng, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho người học nghề được thực tập thực tế; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý…
Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen 12 tập thể, 5 cá nhân; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk tặng Giấy khen 12 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020.
Hoài Thu