Hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện vùng cao Sìn Hồ

Giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện Sìn Hồ hướng dẫn học viên cách làm đất đúng kỹ thuật, ủ phân với đất trước khi trồng cây ăn quả tại bản Thà Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện Sìn Hồ hướng dẫn học viên cách làm đất đúng kỹ thuật, ủ phân với đất trước khi trồng cây ăn quả tại bản Thà Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Sìn Hồ (Lai Châu) quan tâm. Người dân từng bước biết áp dụng kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện vùng cao Sìn Hồ ảnh 1Giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện Sìn Hồ hướng dân học viên về cách trồng cây đương quy đúng kỹ thuật để trồng phát triển một cách tốt nhất tại bản Thà Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, huyện Sìn Hồ luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất; đồng thời chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

Năm 2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Sìn Hồ đã mở 17 lớp với 510 người được đào tạo, qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt 50%. Người lao động sau khi học các lớp đào tạo nghề đã phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy, người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế cao.

Mặt khác, Trung tâm đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác như liên kết với Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, Xây dựng Việt Xô mở lớp trung cấp kỹ thuật xây dựng với 25 học viên; với Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu mở lớp trung cấp trồng trọt và bảo vệ thực vật cho 33 học viên…

Năm 2019, huyện Sìn Hồ có 900 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có hơn 700 học viên có việc làm sau đào tạo.

Với đặc điểm địa hình cao, khí hậu mát mẻ, huyện Sìn Hồ từ lâu đã nổi tiếng với các loại cây dược liệu, cây ôn đới và thế mạnh nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Dựa vào các thế mạnh này cùng với việc vận dụng các chính sách hỗ trợ cây, con giống và đào tạo nghề, huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, vùng nuôi trồng thủy sản tại khu vực vùng thấp Sìn Hồ với 200 lồng cá; vùng sơn tra trên 500ha, chè hơn 300ha, cây đương quy, atisô…

Hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện vùng cao Sìn Hồ ảnh 2Giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện Sìn Hồ hướng dẫn học viên cách làm đất đúng kỹ thuật, ủ phân với đất trước khi trồng cây ăn quả tại bản Thà Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Nhờ được tập huấn về cách chăm sóc, thu hoạch và bảo quản các sản phẩm nông sản, chất lượng, giá thành sản phẩm tăng lên. Điều này đã tạo động lực giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 5,57%. Dự kiến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 24%.

Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sìn Hồ cho biết: Những năm trước đây, công tác đào nghề cho lao động nông thôn ở huyện Sìn Hồ chưa mang lại hiệu quả thiết thực, người học nghề xong phần lớn chưa áp dụng được kiến thức đã học vào thực tế sản xuất. Vài năm trở lại đây, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với khai thác các lợi thế của địa phương, đã làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ của người dân trong huyện.

Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người dân huyện Sìn Hồ đã được tiếp cận với các ngành nghề mới, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện vùng cao Sìn Hồ ảnh 3Cán bộ giáo viên hướng dẫn học viên cách tính vật tư đầu tư khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất cao. Ảnh: Quý Trung – TTXVN  

Chị Giàng Thị Hoa, bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ chia sẻ: Năm 2018, chị được tham gia lớp học nghề trồng cây đương quy. Trong quá trình học, chị đã nắm được kỹ thuật và cách chăm sóc cây. Sau khi học xong, chị Hoa áp dụng những kiến thức mình được học để trồng cây đương quy tại gia đình. Theo chị, trồng cây đương quy có năng suất cao hơn trồng lúa, ngô từ 5-7 lần. Thấy hiệu quả, chị đã hướng dẫn cho bà con trong bản cách trồng và chăm sóc cây đương quy để giúp họ xóa đói giảm nghèo.

Anh Sình A Sài, bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo - học viên đang học nghề tâm sự: anh mong muốn sau khi học nghề xong, mình sẽ mở rộng thêm nhiều khu đất để trồng lê. Anh sẽ áp dụng toàn bộ những phương pháp, yêu cầu kỹ thuật đã học được để cây lê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Thời gian tới, huyện Sìn Hồ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập. Cùng đó, huyện làm tốt công tác rà soát, thống kê, xây dựng kế hoạch nhu cầu đào tạo của người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình tiên tiến mang lại hiệu quả.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm