Ninh Thuận huy động nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Ninh Thuận huy động nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Phát triển nghề gốm truyền thống của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận thu hút du khách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Phát triển nghề gốm truyền thống của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận thu hút du khách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo đó, để cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi chuyển dịch theo hướng tích cực, ngoài các chương trình, chính sách hiện có như: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới… đang được thực hiện, UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế - xã hội của vùng, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận có địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái và có tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai. Do đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, huy động và tập trung ưu tiên lồng ghép các nguồn đầu tư từ nhiều chương trình, dự án cho vùng là rất cần thiết và quan trọng, cần gấp rút thực hiện, nhất là vấn đề về hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.

Để thực hiện, UBND tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và chế biến, phát triển các chuỗi giá trị nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Đồng thời, tỉnh khuyến khích thành lập các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Ninh Phước chung sức đầu tư làm đường bê tông - xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Ninh Phước chung sức đầu tư làm đường bê tông - xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Công Thử - TTXVN

UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, dạy nghề…; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào trong vùng tiếp cận các dịch vụ công cộng, phúc lợi xã hội, Qua đó rút ngắn cách biệt giữa khu vực thành thị với nông thôn, giữa vùng đồng bằng và miền núi, giữa trung tâm và vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là kỹ năng quản lý, điều hành thực hiện các chương trình, chính sách; đẩy mạnh công tác dạy nghề, nâng cao năng lực sản xuất cho đồng bào gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn 2021 - 2030, địa phương phấn đấu 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hóa; 90% trạm y tế xã được kiên cố hóa, đạt chuẩn y tế quốc gia; 100% phòng học được kiên cố hóa và trên 50% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh cũng phấn đấu 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1 - 1,5%/năm và giảm từ 3 - 4%/năm đối với huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; nâng thu nhập bình quân lên 42,5 triệu đồng/người/năm…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, để đạt mục tiêu trên, nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn trên khoảng 4.872 tỷ đồng; trong đó kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng 4.276 tỷ đồng và kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc hơn 595 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí không nhỏ đối với địa phương còn khó khăn như Ninh Thuận. Do đó, ngoài việc tự huy động nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh mong Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, bố trí một tỷ lệ phần trăm nhất định cho ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, việc cấp vốn và triển khai thực hiện phải được đồng bộ, kịp thời theo thứ tự ưu tiên, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; cần đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện như: Ngân sách nhà nước, vốn tài trợ ODA, vốn doanh nghiệp và cộng đồng…; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào; nâng mức đầu tư hỗ trợ dự án 2, chương trình 135; quan tâm bố trí vốn để thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay từ Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay từ Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Những năm qua, nguồn vốn đầu tư của Trung ương và tỉnh đã cơ bản góp phần làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận. Tổng giá trị sản xuất của toàn vùng trong giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 11,9%/năm; thu nhập bình quân của người dân ngày một nâng lên và đạt 25 triệu đồng/người (trong năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 4%/năm, trong đó huyện nghèo Bác Ái giảm từ 5 - 6%/năm.

Đến cuối năm 2018, vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận có 12/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 32,4%; 25 xã còn lại đạt từ 10 - 15 tiêu chí về nông thôn mới...

Khu vực dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Ninh Thuận gồm 37 xã, thị trấn thuộc 7 huyện/thành phố, với 124 thôn, khu phố. Toàn vùng có diện tích tự nhiên hơn 2.800 km2, chiếm hơn 84% tổng diện tích toàn tỉnh. Ninh Thuận có 34 dân tộc anh em, với trên 162.000 người, chiếm 23,56% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc ChămRaglai, sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Công Thử

Có thể bạn quan tâm