Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho biết, hiện tại tình hình khô hạn đang gây không ít khó khăn cho sản xuất, chăn nuôi và cả vấn đề sinh hoạt của người dân. Trước tình hình trên, tỉnh đã đề ra hai phương án cụ thể để điều chỉnh sản xuất Hè Thu phù hợp và hiệu quả.
Theo đó, với phương án 1, nếu từ nay đến hết tháng 5 không mưa, các hồ không có lượng nước bổ sung; hồ Đơn Dương dung tích dưới 100 triệu m3 thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 20/23 hồ chứa (trừ hồ Tà Ranh, BầuZôn, Ông Kinh đã hết nước) và toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý với diện tích trên 23.400 ha.
Phương án 2, nếu trong tháng 5 này trên địa bàn tỉnh có mưa, dung tích các hồ chứa đạt trên 50% dung tích thiết kế thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 23 hồ chứa và toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý với tổng diện tích 29.265 ha.
Theo ông Lê Phạm Hòa Bình, Giám đốc lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, đến sáng 9/5, tổng lượng nước ở 23 hồ chứa do công ty quản lý còn trên 150 triệu/417,70 triệu m3 dung tích thiết kế. Tuy nhiên hiện nay đã có 2 hồ hết nước, 4 hồ có mực nước thấp hơn mực nước chết. Nguồn nước của hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cấp cho vùng hạ lưu Ninh Thuận tưới tiêu có dung tích thiết kế 165 triệu m3, nay mực nước chỉ còn trên 81 triệu m3.
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất vụ Hè Thu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận sẽ thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ hợp tác dùng nước (PIM) xây dựng kế hoạch điều tiết nước thật chi tiết, cụ thể cho từng tuyến kênh, từng xứ đồng để đảm bảo cấp nước tiết kiệm, đủ cho cả cả vụ.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du của tỉnh sản xuất trong vụ Hè Thu này. Trường hợp nguồn nước của từ nhà máy thủy điện Đa Nhim không đảm bảo, công ty sẽ xem xét bổ sung tiếp nước từ hồ chứa nước Sông Cái và hồ Sông Sắt (huyện Bác Ái) để đảm bảo cho các nhu cầu ở vùng hạ du.
Bên cạnh đó, công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) điều tiết nguồn nước của hồ Sông Cái hợp lý, hiệu quả đảm bảo nguồn nước cấp cho khu tưới đập dâng Tân Mỹ và hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm và tiếp nước cho khu tưới hồ Cho Mo và Thành Sơn.
Hiện nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi đã và đang nạo vét các kênh mương, gia cố các bờ đập, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Đồng thời, quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngành nông nghiệp sẽ liên tục cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu để có các biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình khô hạn. Cùng với đó, khuyến cáo nông dân gieo trồng tập trung, đúng lịch thời vụ, cấm gieo ngoài kế hoạch và hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng đại trà các giống mới, ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế.
Công Thử