Trong nhiều thập kỷ, ung thư vú luôn là nỗi ám ảnh của phụ nữ, từng bị xem như một “bản án tử hình”. Nhờ những đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng y khoa, bức tranh về căn bệnh này đang dần thay đổi. Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại Bỉ, quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư vú khá cao (với 1/8 phụ nữ mắc bệnh, 2.000 người tử vong vì ung thư vú trong năm 2021), các nhà khoa học và bác sĩ đã không ngừng nỗ lực để tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả hơn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Trước đây, việc chẩn đoán ung thư vú thường dựa vào sinh thiết mô. Tuy nhiên, ngày nay, các công cụ chẩn đoán đã phát triển vượt bậc. Sinh thiết lỏng, một kỹ thuật phân tích các mảnh ADN của khối u lưu thông trong máu, đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Phương pháp này ít xâm lấn hơn và cho phép theo dõi sự tiến triển của bệnh một cách chính xác hơn. Bên cạnh đó, các kỹ thuật hình ảnh như MRI và PET-CT cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và đánh giá mức độ lan rộng của khối u.
Những tiến bộ trong nghiên cứu gene đã giúp các nhà khoa học phân loại ung thư vú thành nhiều phân nhóm khác nhau, dựa trên các đặc điểm sinh học của tế bào ung thư. Nhờ đó, các phương pháp điều trị có thể được cá nhân hóa một cách tối ưu. Liệu pháp nhắm mục tiêu, một trong những bước đột phá của những thập kỷ gần đây, đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận điều trị ung thư vú. Thay vì tấn công tất cả các tế bào, liệu pháp này chỉ nhắm vào các tế bào ung thư, giảm thiểu tác dụng phụ và tăng hiệu quả điều trị.
Bên cạnh những tiến bộ về y khoa, vai trò của bệnh nhân cũng ngày càng được chú trọng. Các tổ chức như Europa Donna khuyến khích bệnh nhân tham gia tích cực vào quá trình điều trị, từ việc lựa chọn phương pháp điều trị đến việc tham gia các nghiên cứu lâm sàng. Việc trao đổi thông tin giữa bác sĩ và bệnh nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, giúp bệnh nhân hiểu rõ về tình trạng bệnh và đưa ra những quyết định đúng đắn.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng con đường nghiên cứu và điều trị ung thư vú vẫn còn nhiều thách thức. Các nhà khoa học đang tiếp tục tìm kiếm những phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với các trường hợp ung thư vú di căn. Bên cạnh đó, việc giảm chi phí điều trị và đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận điều trị cũng là những vấn đề cần được quan tâm.
Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của cộng đồng khoa học, các nhà hoạt động xã hội và sự tham gia tích cực của bệnh nhân, ung thư vú không còn là căn bệnh nan y. Với những tiến bộ của y học, ngày càng nhiều bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh sau khi điều trị./.
Hương Giang