Triển vọng từ phương pháp điều trị ung thư vú mới tại Anh

Theo phóng viên TTXVN tại London, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR) tại Anh đang thử nghiệm phương pháp điều trị ung thư vú mới, trong đó kết quả ban đầu được đánh giá là rất có tiềm năng trong việc điều trị và ngăn ngừa ung thư tái phát.

Trong thử nghiệm giai đoạn đầu trên tế bào ung thư ở người, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều trị mới được gọi là “phân giải protein nhắm mục tiêu chimera” (Protac) để nhắm mục tiêu vào protein RIPK1. Loại protein này đóng vai trò quan trọng trong việc che dấu, tạo điều kiện cho các khối u lây lan.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tìm cách “huấn luyện” để hệ thống miễn dịch có thể tự nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư tại các khu vực xác định. Ngoài ra, phương pháp điều trị mới cũng sẽ “huy động” hệ thống miễn dịch để “tìm diệt” bất kỳ tế bào ung thư nào đang “lẩn trốn” hoặc kháng thuốc.

Với những kết quả đạt được cho đến nay, các nhà khoa học tin rằng họ có thể đã tìm được phương pháp để điều trị cũng như ngăn bệnh tái phát.

Theo ông Pascal Meier, Giáo sư về tế bào chết và miễn dịch tại ICR, việc kích hoạt hệ thống miễn dịch theo cách này có thể giúp việc điều trị hiệu quả hơn và duy trì phản ứng miễn dịch lâu dài hơn chống lại ung thư vú. Bằng cách sử dụng công nghệ phân hủy protein mục tiêu này, hệ thống tái chế của chính tế bào có thể được sử dụng để phân hủy và tiêu diệt protein ung thư RIPK1. Việc nhắm mục tiêu vào RIPK1 có thể giúp cải thiện hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư hiện có và bảo vệ bệnh nhân khỏi nguy cơ tái phát ung thư vú.

Ung thư vú hiện là loại ung thư phổ biến nhất ở Anh với gần 60.000 ca mắc mới mỗi năm. Khoảng 10% số bệnh nhân được điều trị khỏi sẽ bị tái phát, nhưng đối với những người mắc ung thư vú bộ ba âm tính tỷ lệ này là 40%, chiếm 1/5 số trường hợp mắc, sẽ là những người có thể được hưởng lợi nhiều nhất.

Ung thư hiện vẫn là căn bệnh nan y bởi cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư. Các loại thuốc ức chế truyền thống hiện có chỉ có thể ngăn chặn chức năng của protein và làm chậm hoặc ngăn chặn khả năng lây lan chứ không loại bỏ được các tế bào ung thư, nhưng Protac có thể đã vượt qua trở ngại này.

Trong nghiên cứu, Protac được tiêm vào khối u kết hợp với xạ trị và/hoặc liệu pháp miễn dịch, song các nhà khoa học cho biết họ đang nghiên cứu một phương pháp điều trị đơn giản hơn bằng cách đưa thuốc vào đường máu. Theo các nhà khoa học, phương pháp này có thể áp dụng cho loạt bệnh ung thư khác, nhưng cần nghiên cứu thêm và kết quả cuối cùng sẽ có trong vài năm tới.

Protac là một trong những phát triển mới nhất trong phương pháp điều trị ung thư sử dụng công nghệ mRNA, loại công nghệ đã tạo ra vaccine ngừa COVID-19.

Hữu Tiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm