Những điều cần biết về bệnh Alzheimer

Những điều cần biết về bệnh Alzheimer

Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh gây ra hội chứng mất trí nhớ, ảnh hưởng tới hơn 30 triệu người trên toàn thế giới và đến nay vẫn là căn bệnh chưa có thuốc chữa. Sau đây là những điều cần biết về căn bệnh này nhân Ngày Alzheimer Thế giới (21/9).

 Bệnh Alzheimeir được đặt theo tên của bác sĩ người Đức Alois Alzheimer, người đầu tiên phát hiện căn bệnh này vào năm 1906. Bác sĩ Alzheimer đã phát hiện thấy những mảng vón và các đám rối sợi thần kinh trong não bộ của một phụ nữ chết vì chứng mất trí. Bệnh phá hủy tế bào não bộ, làm bệnh nhân mất trí nhớ, cũng như mất khả năng định hướng và không thể thực hiện được những công việc hàng ngày. Bệnh cũng có liên quan tới thay đổi tâm trạng và khó khăn trong giao tiếp ở bệnh nhân.

Những điều cần biết về bệnh Alzheimer ảnh 1Alzheimer là bệnh mất trí nhớ dần dần, hay xuất hiện ở người lớn tuổi. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 55 triệu người trên thế giới bị mất trí nhớ, trong đó bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất. Bệnh này chiếm 60-70% trong số các ca mất trí nhớ, hay hơn 30 triệu người. Khi tuổi thọ tăng, sự phổ biến của căn bệnh này ở những nước thu nhập trung bình thấp đang gia tăng. WHO ước tính số người chung sống với căn bệnh này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, làm trầm trọng gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế. Bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ là những nguyên nhân chính khiến người bệnh vận động khó khăn và buộc họ phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

Cho đến nay, bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ. Tuy nhiên, vẫn còn ít kiến thức về nguyên nhân chính xác gây bệnh và cách thức bệnh tiến triển. Có 2 protein chính là tau và amyloid-bet hình thành những mảng vón và các đám rối sợi thần kinh tích tụ với nhau khiến cho tế bào não bị chết và dẫn tới bộ não bị teo lại. Hiện vẫn có ít thông tin về nguyên nhân xuất hiện các protein này hoặc mối liên quan giữa các protein. Trong một nghiên cứu mới thực hiện năm 2021, các nhà nghiên cứu cho biết các chùm protein độc hại lan tới các vùng khác nhau của não bộ từ rất sớm và rồi tích tụ trong một tiến trình kéo dài hàng thập kỷ.

Khó khăn trong việc xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh, mặc dù các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về căn bệnh này trong hàng thập kỷ qua, gây khó khăn cho việc phát triển phương pháp điều trị hoặc chữa bệnh.

Tiến bộ lớn nhất về căn bệnh này trong 2 thập kỷ qua đạt được vào năm 2021 khi Mỹ cấp phép sử dụng thuốc Aduhelm, loại thuốc mới đầu tiên điều trị căn bệnh này trong gần 2 thập kỷ qua và là thuốc đầu tiên giải quyết suy giảm khả năng nhận thức của bệnh nhân Alzheimer. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc này vẫn còn hạn chế và các chuyên gia y tế vẫn chưa nhất trí về lợi ích điều trị.

Theo Viện Nghiên cứu y tế và y khoa quốc gia Pháp (Inserm), yếu tố rủi ro chính gây bệnh Alzheimer là tuổi già. Khả năng mắc bệnh gia tăng ở những người từ 65 tuổi trở lên và tăng mạnh sau từ 80 tuổi trở lên. Bệnh tiểu đường và huyết áp cao cũng có liên quan tới sự phổ biến của căn bệnh này, cho dù cộng đồng y tế vẫn chưa thể giải thích được về mối liên quan này. Các yếu tố rủi ro khác gây bệnh, bao gồm lối sống ít vận động và một dạng chấn thương sọ não mà các võ sĩ quyền Anh hoặc cầu thủ chơi bóng bầu dục hay mắc phải.

Minh Châu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm