Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp nông dân miền núi Thanh Hóa thoát nghèo bền vững

Nhiều hộ dân ở miền núi Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ con giống. Nguồn: bdt.thanhhoa.gov.vn
Nhiều hộ dân ở miền núi Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ con giống. Nguồn: bdt.thanhhoa.gov.vn

Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với số vốn hàng tỷ đồng, thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Họ được gọi là những nông dân triệu phú, tỷ phú ở miền Tây xứ Thanh.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp nông dân miền núi Thanh Hóa thoát nghèo bền vững ảnh 1Nhiều hộ dân ở miền núi Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ con giống. Nguồn: bdt.thanhhoa.gov.vn

Đến xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, không ai không biết đến chị Vũ Thị Thắm - người dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế gia đình và trở thành hộ khá ở địa phương. Chị được đánh giá là một trong các hộ tiên phong trồng cây ăn quả thoát nghèo ở xã Thành Tâm.

Chị Thắm chia sẻ, ngày mới cưới, hai vợ chồng chị ra ở riêng với hai bàn tay trắng, không có nghề nghiệp ổn định. Được cha mẹ cho vài sào đất, hai vợ chồng trồng mía như bao hộ khác nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau vài vụ mía lấy công làm lãi vẫn không đủ ăn và chi phí cho cuộc sống, chị bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ người quen và quyết định chuyển hướng, vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả.

Chị Thắm được các cấp Hội Nông dân hỗ trợ kinh phí để tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và thực hiện mô hình trồng gần 1.000 gốc cam, dưa, thanh long. Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả, cho quả ngọt và năng suất cao. Trừ chi phí, mô hình cây ăn quả của gia đình chị Thắm đã mang lại thu nhập khoảng 350 triệu đồng/ha. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Thắm còn rất năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương và luôn sẵn sàng chia sẻ cách làm hay với những hộ nông dân khác trong vùng.

Chị Vũ Thị Thắm cho biết, lúc mới đưa cây cam vào trồng thử, gia đình chị chưa có kinh nghiệm nên đã gặp không ít khó khăn. Chị đã cùng chồng đi khắp nơi học hỏi thực tế, tìm hiểu thêm qua sách báo về kiến thức trồng trọt, quyết tâm "ăn cùng cam, ngủ cùng cam". Do chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình chị đang có ý định thuê đất đồi, mở rộng diện tích trồng cam và các loại cây ăn quả khác với mong muốn sẽ tiếp tục có những vụ mùa bội thu.

Không riêng gia đình chị Thắm, trên địa bàn huyện miền núi Cẩm Thủy có hàng trăm hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao. Điển hình như trang trại tổng hợp của gia đình ông Đỗ Văn Hoan (ở thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy). Là hộ nghèo, nhiều năm qua, gia đình ông Đỗ Văn Hoan cứ loay hoay với câu hỏi làm gì để sinh sống và thoát nghèo. Ông Hoan đã xoay xở nhiều nghề, nhiều việc như: trồng lúa, xay xát gạo, làm mộc, mở cửa hàng bán tạp hóa... với mong muốn cuộc sống được cải thiện nhưng cũng chỉ đủ trang trải và không có sự bứt phá.

Năm 2018, ông Hoan quyết định thuê 5 ha đất của một số hộ dân cải tạo lại để làm trang trại tổng hợp. Sau hơn 2 năm, ông Hoan hiện có trang trại với 1 khu chuồng trại chăn nuôi lợn rộng hơn 1.500m2, nuôi 170 con lợn thương phẩm/lứa và duy trì 30 con lợn nái. Ngoài ra, ông còn có 2ha trồng các loại cây ăn quả như: cam, ổi, mít... Hiện trang trại tổng hợp của ông Hoan đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Tận dụng chất thải từ đàn lợn và các phụ phẩm nông nghiệp, ông đã đầu tư mô hình sản xuất phân bón vi sinh để sử dụng trong trang trại và bán ra các vùng lân cận. Với những thành công này, ông Đỗ Văn Hoan được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì sự nỗ lực, mạnh dạn thay đổi tư duy, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng thời đoàn kết giúp người dân trong thôn cùng làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Ông Đỗ Văn Hoan cho biết, hàng năm, gia đình ông xuất bán 3 lứa lợn tổng trọng lượng khoảng 40-45 tấn và 15 tấn quả các loại...; tổng doanh thu cũng đạt khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng từ 500-700 triệu đồng/năm.

Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân khu vực miền núi Thanh Hóa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng tỉnh phát triển bền vững. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các địa phương trong tỉnh nâng cao chất lượng phong trào, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở, tạo động lực xóa đói, giảm nghèo, nhất là với vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi xứ Thanh.

Từ nay đến năm 2025, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hàng năm có 80% trở lên hộ gia đình đăng ký thi đua trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó 50% trở lên số hộ đăng ký đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2,5% trở lên và có 100% đơn vị Hội các cấp phát động, đăng ký thi đua, tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, khen thưởng trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm