Hướng mới trong phát triển kinh tế vùng biên Thanh Hóa

Hướng mới trong phát triển kinh tế vùng biên Thanh Hóa

Trước đây do địa hình núi đá hiểm trở, mưa lũ bất thường, việc phát triển các mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ nên đời sống của người dân huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây người dân trên địa bàn đã tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đó là thực hiện mô hình trồng cây vầu. Hiện mô hình này đang giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo.

Hướng mới trong phát triển kinh tế vùng biên Thanh Hóa  ảnh 1 Vườn ươm giống cây Vầu của gia đình ông Vi Văn Piên ở bản Hậu, xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Quan Sơn là huyện biên giới đặc biệt khó khăn thuộc diện 30a, có khoảng 93.017 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, cây vầu được xem là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, loài cây này cao gần 20 mét, thân non màu lục nhạt, thân già màu lục xám, được dùng làm mây tre đan, bột giấy, đồ trang trí thủ công mỹ nghệ, tăm và vật liệu xây dựng.Giai đoạn 2016-2021, UBND huyện Quan Sơn đã vận động các hộ dân người dân tộc thiểu số tham gia trồng cây vầu và thu hút đầu tư mở rộng mạng lưới chế biến lâm sản đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng, xây dựng cơ chế hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến vào đầu tư tại địa bàn huyện.

Đến nay, nhiều người dân trồng vầu cho thu nhập từ 60-100 triệu đồng/năm. Tại xã Tam Lư, nếu như 7 năm trước đây số hộ trồng vầu đang còn lẻ tẻ vài hộ, thì đến nay toàn xã đã có 648 hộ trồng vầu. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo, xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.

Ông Vi Văn Piên, trú tại bản Hậu, xã Tam Lư cho biết, ông là người đi đầu trồng vầu trên địa bàn xã vào năm 2014. Khi mới trồng vầu, ông chưa có nhiều kiến thức phát triển sản xuất nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ UBND huyện Quan Sơn hỗ chợ chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, ông đã trồng 1 ha cây vầu. Đến năm 2018, ông quyết định trồng thêm 1,5 ha, kết hợp trồng các loài cây hái quả, chăn nuôi lợn, gà.

Đến nay, trang trại của ông đã được mở rộng khoảng 7 ha, bao gồm 3 ha trồng cây vầu, 2 ha luồng, 15 con lợn, 1 vườn ươm giống cây vầu, thu nhập mỗi năm đạt 160-200 triệu/năm. Ngoài việc trồng vầu, ông Piên còn thực hiện ươm, nhân giống vầu để cung cấp giống cho bà con quanh vùng nhập về trồng.

Cũng theo ông Piên, khi trồng vầu không chỉ cho giá trị kinh tế cao, khi cây vầu trưởng thành còn góp phần phòng chống sói mòn, sạt lở đất, mỗi khi mùa mưa bão về.

Hướng mới trong phát triển kinh tế vùng biên Thanh Hóa  ảnh 2Gia đình ông Vi Văn Piên ở bản Hậu, xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa thoát nghèo nhờ trồng cây Vầu với thu nhập từ 160 - 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Là người tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương để mở cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây vầu. Anh Hà Văn Hiệu, bản Sại, xã Tam Lư cho biết, tốt nghiệp cấp 3, anh đi làm thuê khắp nơi, năm 2018, anh quyết định khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất tăm tre phố núi. Để thực hiện mô hình này, anh Hiệu đã vay vốn người thân, ngân hàng nhập máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.

Nhận thấy địa phương có sẵn nguyên liệu là cây vầu, anh đã thu mua vầu của bà con quanh vùng để làm nguyên liệu sản xuất tăm tre. Nhờ sự cố gắng trong sản xuất, kinh doanh, đến nay cơ sở của anh đã ngày càng phát triển, sản phẩm tăm tre được bán cho các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn tỉnh. Hiện thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 200 triệu/năm, tạo việc làm cho 20 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Hà Văn Quyên, Phó chủ tịch UBND xã Tam Lư cho hay, tổng diện tích rừng vầu trên địa bàn xã là 1.600 ha, nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát nghèo nhờ trồng cây vầu. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục triển khai rộng mô hình và diện tích trồng mới, tăng diện tích rừng vầu, góp phần phủ xanh đồi trọc trên địa bàn.

Hướng mới trong phát triển kinh tế vùng biên Thanh Hóa  ảnh 3 Sản phẩm làm ra từ cây Vầu được để trong nhà kho của gia đình anh Hà Văn Hiệu ở bản Sại, xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Theo thống kê của UBND huyện Quan Sơn, huyện đang có trên 4.000 ha rừng trồng vầu, chủ yếu tại các xã Tam Lư, Tam Thanh, Na Mèo. Hiện huyện Quan Sơn đã thực hiện thành công dự án ”Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng thâm canh và phục tráng rừng vầu”, qua đó xây dựng được mô hình thâm canh rừng vầu quy mô 20 ha; mô hình phục tráng rừng vầu 30 ha, các mô hình đang được duy trì, nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trường phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn khẳng định, đến thời điểm này cấp ủy, chính quyền xác định vầu là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Hiện, huyện Quan Sơn đã được các cấp thẩm quyền công nhận 3 ha rừng vầu có chứng nhận rừng đạt tiêu chuẩn FSC.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn các kỹ thuật trồng vầu mới giúp người dân ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt số khó khăn của tỉnh Thanh Hóa.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm