Nhiều mô hình, cách làm hay của phụ nữ dân tộc thiểu số Phú Yên giúp nhau phát triển kinh tế

Nhiều mô hình, cách làm hay của phụ nữ dân tộc thiểu số Phú Yên giúp nhau phát triển kinh tế

Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã có nhiều mô hình, cách làm hay giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.

Chị Dương Thị Thu Đông (sinh năm 1989, dân tộc Dao) là điển hình trong phát triển kinh tế ở thôn Tân Bình, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh. Gia đình chị có gần 3 hecta đất để trồng cao su, keo lai, sắn... bình quân mỗi năm vu về 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Đông còn tích cực hỗ trợ chị em trong thôn vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất.

Nhiều mô hình, cách làm hay của phụ nữ dân tộc thiểu số Phú Yên giúp nhau phát triển kinh tế ảnh 1Chị Dương Thị Thu Đông, dân tộc Dao, một trong những điển hình phụ nữ phát triển kinh tế ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN

Chị Đông chia sẻ, mình ở vùng núi, sẵn có đất đai nên dễ đầu tư sản xuất. Quan trọng là phải chịu khó và biết lấy ngắn, nuôi dài. Ở trong thôn, chị em hỗ trợ, đổi công cho nhau để cùng lo việc nương rẫy. Khi khó khăn về vốn, Hội Phụ nữ xã Ea Ly tạo điều kiện kết nối, bảo lãnh với Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên được vay vốn ở mức tối đa.

Ông Hoàng Đình Năm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Ly cho biết, xã có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ các phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, đời sống kinh tế của người dân đã nâng cao rất nhiều. Nhiều gia đình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường nên cho thu nhập khá. Đảng ủy xã đã có Nghị quyết chuyên đề Hỗ trợ phụ nữ sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao tính cạnh tranh đối với các sản phẩm chủ lực như cây cao su, cà phê, sầu riêng, mắc ca… hướng tới mục tiêu năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt từ 68 triệu đồng trở lên, riêng hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động không còn hộ nghèo.

Với phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó, phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh đã đóng góp quan trọng vào chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Ái Liên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sông Hinh, là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên các cấp Hội Phụ nữ của huyện đã định hướng, giúp đỡ chị em phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Các mô hình phát triển kinh tế như: trồng cây lâu năm, trồng cây ăn quả hoặc chăn nuôi. Dựa vào điều kiện và tập quán canh tác, chị em giúp nhau về cây, con giống để cùng sản xuất. Hội Phụ nữ huyện Sông Hinh phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình. Từ những mô hình kinh tế có hiệu quả, Hội nhân rộng và giúp đỡ thêm các hội viên khác. Hội đặt mục tiêu mỗi năm toàn huyện giúp đỡ ít nhất 11 phụ nữ nghèo và 24 phụ nữ cận nghèo phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, Hội hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho phụ nữ là tiểu thương, chủ hộ kinh doanh để họ bắt kịp với xu thế hội nhập.

Nhiều mô hình, cách làm hay của phụ nữ dân tộc thiểu số Phú Yên giúp nhau phát triển kinh tế ảnh 2Nhờ trồng cây cao su, gia đình chị Dương Thị Thu Đông, dân tộc Dao, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên có thu nhập ổn định. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Phú Yên hiện có 8.486 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, chiếm 5,6% hội viên toàn tỉnh. Với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, giai đoạn 2016-2020, các cấp Hội trong tỉnh đã giúp 848 phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Triển khai Đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đang tích cực làm tốt vai trò cầu nối, liên kết sản xuất và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm. Chương trình kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số bước đầu trong khởi nghiệp kinh tế gia đình.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm