Nhiều diện tích thanh long tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhiễm nấm “tắc kè”

Nhiều diện tích thanh long tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhiễm nấm “tắc kè”

Nhiều diện tích thanh long tại xã Bông Trang và Bưng Riêng, huyện Xuyên Mộc - vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị bệnh nấm “tắc kè” và đang lan trên diện rộng, nguy cơ bùng phát thành dịch, gây thiệt hại cho người trồng thanh long.

Nhiều diện tích thanh long tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhiễm nấm “tắc kè”  ảnh 1Thanh long bị nhiễm nấm "tắc kè". Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Theo một số nông dân trồng thanh long, nếu chủ động trong phun thuốc phòng trừ thì có thể ngăn dịch nấm “tắc kè” phát sinh. Còn một khi để vườn bị nhiễm bệnh thì tốc độ lây lan rất nhanh và khó xử lý. Đây là bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan, có khả năng bùng phát thành dịch lớn, nhưng hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Trước đó, nấm “tắc kè” xuất hiện rải rác tại một số vườn thanh long. Tuy nhiên, do thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến thanh long không tiêu thụ được, giá rớt xuống thấp, nhiều hộ dân đã bỏ mặc vườn thanh long không chăm sóc, khiến bệnh lây lan nhanh hơn. Nấm xuất hiện quanh năm và thường lan nhanh vào mùa mưa ẩm thấp, nhưng chưa bao giờ căn bệnh này bùng phát nhanh và mạnh như trong mùa mưa năm 2023.

Bà Châu Thị Nhi, ngụ ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc có 8 sào với 800 trụ thanh long đã trồng được 10 năm. Bà Nhi cho biết, thanh long bị nấm tắc kè cách đây khoảng hơn 3 năm. Thời điểm đó, giá thanh long rớt xuống thấp do dịch COVID-19 bùng phát khiến bà Nhi cũng như nhiều nhà vườn quanh vùng không còn “mặn mà” chăm sóc, không bón phân và phun xịt thuốc phòng trừ bệnh nên nấm đã lây lan với tốc độ "chóng mặt". Hiện, vườn của gia đình bà đã có khoảng hơn 70% diện tích thanh long bị bệnh nấm “tắc kè”. Điều đáng nói, khi vườn thanh long đã bị bệnh thì không có cách nào xử lý triệt để được vì theo bà Nhi hiện chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này. Bệnh lây lan khắp vườn khiến khi cây ra trái cũng bị nấm, thương lái chỉ mua với giá "hàng dạt" rất thấp, cành bị bệnh nặng không thể ra trái và nuôi trái nên ảnh hưởng nặng đến năng suất, sản lượng.

Bà Nhi chia sẻ: “Bệnh xuất hiện và lây rất nhanh trong vườn, từ vườn này sang vườn kia, chúng tôi phải tự mày mò xịt đủ loại thuốc. Một số nhà vườn xử lý không kịp đã phải chặt bỏ vườn thanh long vì không cứu kịp. Chi phí đầu tư thuốc, nhân công xử lý vườn tăng cao, trong khi thu về chẳng bao nhiêu do giá thấp”.

Ông Nguyễn Quang Thành, cùng ngụ ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc đang có khoảng 1.000 trụ thanh long trồng trên diện tích gần 1 ha chia sẻ, vào mùa khô tốc độ lây lan của nấm “tắc kè” còn chững lại, đến mùa mưa tốc độ lây lan rất nhanh. Là người rất kỹ tính trong khâu chăm sóc, ngày nào cũng ra vườn cây, nhưng ông Thành vẫn không thể kiểm soát nổi nấm “tắc kè” lây lan. Hiện, vườn thanh long của ông đã bị nhiễm bệnh trên 40% diện tích và không thể xử lý triệt để được vì không có thuốc đặc trị. Mỗi khi thấy cây thanh long nào bị bệnh là ông cắt cành, gom lại đem ra xa vườn đốt nhưng vẫn không thể hết được.

Vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Liễu, ngụ ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cũng trong tình cảnh tương tự. Bà Liễu chia sẻ, hiện nay thanh long đang được giá, nhưng năng suất vườn thanh long của gia đình bà đang giảm sút trầm trọng do nấm “tắc kè” đã lây lan gần như toàn bộ diện tích, đến nay không thể xử lý được nữa. Tuy giá thanh long tăng cao nhưng vườn nào trái bị nấm cũng sẽ mất giá, năng suất thì giảm đến hơn 50%.

Nhiều diện tích thanh long tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhiễm nấm “tắc kè”  ảnh 2Bà Nguyễn Thị Liễu, ấp Trang Định, xã Bông Trang, cắt bỏ những nhánh thanh long bị bệnh nấm "tắc kè". Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Theo bà con nông dân trồng thanh long tại huyện Xuyên Mộc, cây thanh long không được người trồng chủ động phun xịt phòng ngừa nấm, không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng là những nguyên nhân khiến bệnh “tắc kè” lây lan nhanh.

Hai xã Bông Trang và Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với khoảng gần 140 ha. Hầu hết các vườn thanh long tại 2 địa phương này đã bị nhiễm nấm “tắc kè”, vườn ít thì bị khoảng 30%, nhiều vườn đã bị đến 90%, phải bỏ gần như hết cành, nhiều vườn phải bỏ hoang vì không thể cứu chữa được.

Loại nấm này xuất hiện nhiều nhất tại các chồi non từ đầu trụ thanh long, xì mủ và hình thành những đốm thối trên thân các nhánh thanh long như đốm hoa trên mình con tắc kè. Gặp nước mưa, nấm lan nhanh xuống các nhánh thanh long. Ngoài phun xịt phòng các loại thuốc chống nấm, điều quan trọng nhất là phải cắt bỏ ngay những chồi, nhánh bị bệnh, dọn vườn thông thoáng không để mầm bệnh lây lan.

Nhiều diện tích thanh long tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhiễm nấm “tắc kè”  ảnh 3Một vườn thanh long bị bệnh nấm "tắc kè" phải cắt bỏ cành nhưng cũng không hết bệnh. Ảnh: Hoàng Nhị-TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo, ngay từ đầu mùa mưa, các nhà vườn trồng thanh long cần chủ động dọn vườn, xịt thuốc phòng bệnh khi bệnh nấm này chưa xuất hiện. Bà con nông dân phải chú ý cắt tỉa ngay những nhánh thanh long bị nhiễm nấm và đem đi xử lý, không để lại trong vườn vì đây là nguồn lây lan dịch bệnh.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm