Nhật Bản phát triển công nghệ sản xuất điện từ chất thải phóng xạ

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) đang phát triển hai loại thiết bị tạo ra điện thông qua việc chuyển đổi nhiệt và bức xạ từ chất thải hạt nhân thành điện năng. Mục đích cuối cùng của JAEA là nhằm phát triển một loại “pin hạt nhân” có thể sử dụng nhiều thập niên trong những môi trường khắc nghiệt như không gian.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, JAEA dự kiến sẽ giới thiệu các thiết bị này vào năm 2025. Thiết bị tạo ra điện bằng bức xạ sử dụng cơ chế tương tự như pin Mặt Trời - tạo ra điện từ tia alpha và beta từ các chất phóng xạ Americium-241 và Strontium-90 có trong chất thải hạt nhân. Với thiết bị sản xuất điện nhờ hấp thụ nhiệt từ chất chải phóng xạ, JAEA đã cải tiến vật liệu và phương pháp sản xuất điện để tạo ra một vật liệu có khả năng chống bức xạ cao. Nhờ đó, ngay cả khi tiếp xúc với bức xạ, hiệu suất phát điện của thiết bị được kỳ vọng sẽ không suy giảm trong vài trăm năm.

Tận dụng hai yếu tố bức xạ và nhiệt từ chất thải hạt nhân, JAEA đặt ra mục tiêu ban đầu là tạo ra nguồn năng lượng tính bằng đơn vị watt để sạc điện thoại thông minh vào năm 2028 và có thể tạo nguồn năng lượng mạnh gấp hàng nghìn lần tính bằng kilowatt (kW) vào năm 2035.

“Pin hạt nhân” phù hợp cho các ứng dụng cần sử dụng nguồn điện trong thời gian dài và ở những nơi khó cung cấp điện. Trong tương lai, công nghệ này sẽ hữu ích cho việc giám sát chất thải phóng xạ cấp độ cao dự kiến được chôn dưới lòng đất và cung cấp năng lượng cho các tàu thăm dò không gian.

Xuân Giao

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm