Nhân rộng mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh ở huyện Tháp Mười

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh ở huyện Tháp Mười
Mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả cao. Ảnh: TTXVN
Mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả cao.
Ảnh: TTXVN
Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh áp dụng đồng bộ 3 khâu trong một máy cơ giới gồm: cấy lúa, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm, diệt ốc với thời gian nhanh gọn, dễ dàng áp dụng biện pháp quản lý dịch tổng hợp. Đồng thời, phân bón chậm tan được vùi trong đất nên được đất giữ lại, giảm lượng phân bón bốc hơi, rửa trôi, phân được vùi nên giúp bộ rễ ăn sâu. Do đó, nếu sử dụng mô hình này vào cấy lúa sẽ khiến lúa phục hồi nhanh, phát triển tốt, mọc chồi hơn 24 tép/bụi, lúa cứng cây, không đổ ngã khi gặp gió mưa. Hơn nữa, lúa sau khi thu hoạch rất đồng đều nên khi bán có giá cao hơn ruộng lúa thường từ 200 - 400 đồng/kg; giảm thất thoát, chi phí thu hoạch. Cùng với đó, thực hiện mô hình này còn giúp nông dân giảm chi phí vật tư đầu vào, nhân công lao động từ 2 – 3 lần, lượng giống còn 60kg/ha, số lượng phân bón 250kg/ha, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trước 40 ngày sau cấy và không sử dụng thuốc trừ bệnh trong 20 ngày trước khi thu hoạch..., góp phần bảo vệ thiên địch (các loài động vật được sử dụng để diệt trừ các sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng một cách tự nhiên), hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Tập đoàn Mỹ Lan phối hợp triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 thuộc xã Mỹ Đông từ vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018 trên diện tích 7,6ha, đến năm 2019 tổng diện tích sản xuất là hơn 55 ha. Qua đánh giá cả 3 vụ lúa, giá thành sản xuất 1kg lúa trong mô hình thấp hơn so với ruộng lúa sản xuất bính thường từ 165 - 224 đồng/kg, năng suất tương đương và cao hơn so với lúa sản xuất bình thường, lợi nhuận cao hơn ruộng lúa sản xuất bình thường từ 1,9 -2,1 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh đã thay đổi tập quán của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng sản xuất sạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Chị Hồ Thị Phượng ở xã Mỹ Đông cha sẻ, sản xuất theo mô hình vụ lúa Thu Đông vừa qua chi phí bón phân, xịt thuốc giảm gần 7 triệu/ha, nhất là công lao động như số lần bón phân, xịt thuốc giảm. Nếu như trước đây chỉ sản xuất 1ha thì sau khi sản xuất theo mô hình này, mình tôi  vẫn có thể quản lý sản xuất được 2ha lúa. TS Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, theo tính toán mô hình canh tác lúa lý tưởng sử dụng phân bón thông minh có thể giúp nông dân giảm gần 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất, giảm được 50% lượng phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, mới đây Tập đoàn Mỹ Lan đã ký kết với tỉnh Đồng Tháp hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu nâng cao chất lượng, bao bì, bảo quản sản phẩm và công nghệ sau thu hoạch; liên kết đào tạo với trường Đại học Đồng Tháp, trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp để đào tạo đội ngũ sinh viên về các chuyên ngành hóa học, công nghệ sinh học, nông nghiệp. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn thực hiện chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình sử dụng phân bón thông minh..., góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở vùng nông thôn.
Nguyễn Văn Trí

Có thể bạn quan tâm