Nguyễn Thái Sơn - Chàng trai 9X với mô hình vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ

Nguyễn Thái Sơn - Chàng trai 9X với mô hình vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, trong giới nhà vườn Lâm Đồng lan truyền thông tin về một thanh niên 9X dám bỏ công việc Nhà nước để về làm vườn với mô hình rất mới ở vùng đất khô cằn Đạ Tẻh. Đáng mừng là mô hình vườn cây ăn trái rộng tới 40ha của chàng thanh niên ấy đã rất thành công, còn ông chủ vườn được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, trở thành tấm gương điển hình tiêu biểu toàn quốc trong phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.

Nguyễn Thái Sơn - Chàng trai 9X với mô hình vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ ảnh 1Anh Nguyễn Thái Sơn kiểm tra sinh trưởng của cây quýt đường. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Huyện Đạ Tẻh được coi là một trong những vùng trồng cây ăn trái lớn của tỉnh Lâm Đồng với hàng ngàn ha. Tại xã Triệu Hải của huyện có 1 trang trại trồng khoảng 40ha cây ăn trái theo hướng hữu cơ của chàng trai Nguyễn Thái Sơn, 32 tuổi, ở Thôn 3B. Chàng trai 9X này nổi tiếng ở địa phương là người năng nổ, nhiệt huyết, đam mê với cây trái, nông nghiệp an toàn.

Trong khu vườn của Nguyễn Thái Sơn, mô hình khiến người xem mê nhất là 7ha vườn quýt đường được trồng từ năm 2017, đến nay đã cho thu hoạch mỗi vụ hàng trăm tấn quả. Với giá thị trường 30 ngàn đồng/kg thì trừ chi phí, chủ vườn cũng có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài 3ha trồng bưởi da xanh, anh đang canh tác 30ha sầu riêng Thái, trong đó có 15ha sầu riêng năm thứ tư, 7ha sầu riêng năm thứ hai và 8ha sầu riêng trồng mới. Với diện tích này, tổng doanh thu của Nguyễn Thái Sơn trong năm 2022 đã đạt tới 5 tỷ đồng, bỏ phần chi phí phân bón, công lao động… đã đem lại khoản thu nhập 2,5 tỷ đồng.

Nguyễn Thái Sơn cho biết, anh làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, được tham gia nhiều hoạt động, phong trào của huyện tổ chức. Anh cũng tìm hiểu và nhận thấy khí hậu, đất đai tại Đạ Tẻh phù hợp với trồng các loại cây có múi. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn còn sản xuất tự phát, không theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường.

Anh chia sẻ: "Qua nhiều đêm trăn trở, tôi đã xin nghỉ công tác tại Trung tâm Y tế huyện để đi tham gia khóa học trồng cây ăn trái công nghệ cao và tham quan mô hình ở các địa phương đã triển khai thực hiện. Qua 6 tháng theo học cách trồng, chăm sóc cây ăn trái có múi bằng công nghệ sinh học (không dùng thuốc bảo vệ thực vật). Năm 2017, với số vốn của bản thân, vay thêm ngân hàng và người thân, tôi đã mua được 3ha đất đầu tiên, sau đó là 5ha, 7ha rồi 20ha… Thời điểm đó, đất tại huyện Đạ Tẻh khá rẻ do cây điều thất thu, nhiều người tại địa phương đã bán đất. Đó cũng là thời điểm tôi hiện thực hóa được đam mê của mình".

Lên ý tưởng và bắt đầu trồng quýt đường, bưởi da xanh, sầu riêng từ năm 2017, ba năm sau, anh Nguyễn Thái Sơn đã có những trái ngọt đầu tiên. Diện tích trồng quýt của anh đã phủ một màu xanh bạt ngàn trên vùng đất sỏi đá Thôn 3B (xã Triệu Hải). Trong đó, có 3ha đã được anh áp dụng các kỹ thuật ra bông vụ đầu tiên. Diện tích còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết vườn, nên luôn được anh theo dõi sát sao để bổ sung các loại phân bón hữu cơ kịp thời cho cây phát triển. Với 40ha đất hiện có, anh Sơn đang chú trọng đầu tư mở rộng thêm diện tích trang trại; đồng thời, hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm quýt sạch và xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

Anh Hà Vĩnh Du, Bí thư Đoàn xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) cho biết: “Hiện nay, phong trào lập thân, lập nghiệp của lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương đang phát triển rất mạnh. Phần lớn họ đều chọn nông nghiệp để phát triển kinh tế, bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn và diện tích đất, nên các mô hình mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ từ 6 sào đến 2ha/mô hình. Riêng mô hình trồng quýt đường sinh học của anh Nguyễn Thái Sơn là bước đột phá và thể hiện khát vọng, ý chí, quyết tâm vươn lên làm giàu của tuổi trẻ địa phương. Đây sẽ là mô hình để địa phương đưa vào chương trình OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) trong thời gian tới”.

Hiện tại, với cây quýt và cây bưởi da xanh, Nguyễn Thái Sơn trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Thời điểm ban đầu, cây quýt là cây chủ lực và là cây dùng để "lấy ngắn, nuôi dài", nhờ cây quýt mà anh có thêm vốn để đầu tư được nhiều đất như hiện nay.

Nói về cách làm hữu cơ của mình, anh Sơn tiết lộ, quýt đường trong trang trại của anh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm của mình, anh Sơn luôn tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ đầu vào với giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khâu đầu ra kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Thái Sơn còn giúp đỡ bà con, hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn hơn vay vốn, cây giống để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Bằng những kinh nghiệm thực tế, chàng trai 9X này đã thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ các đoàn viên, hội viên về kỹ thuật canh tác, khoa học công nghệ. Trong 6 năm qua, anh Sơn đã ủng hộ địa phương 150 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hội trường thôn và tôn tạo cảnh quan môi trường nông thôn tại xã Triệu Hải cũng như huyện Đạ Tẻh. Anh ủng hộ gần 200 triệu đồng giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn giống và vốn để vươn lên thoát nghèo bền vững; trao tặng tiền và quà cho bà con gặp khó khăn trong COVID-19 và thiên tai bão lụt…

Với những thành tích đã đạt được, Nguyễn Thái Sơn được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2019. Đến năm 2020, anh tiếp tục được Trung ương Đoàn trao Giấy chứng nhận Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Tại Chương trình tự hào nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân tổ chức, Nguyễn Thái Sơn là một trong hai nông dân của tỉnh Lâm Đồng được bình chọn vào danh sách 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm