Bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, có hơn 100 hộ dân, với gần 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, hộ ông Mùa A Giàng cũng như nhiều hộ dân trong bản chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy dựa vào cây lúa, ngô, sắn... cuộc sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, vươn lên làm giàu.
Với mong muốn phát triển kinh tế để thoát nghèo, ông Mùa A Giàng (55 tuổi), dân tộc Mông, trú bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) luôn trăn trở phải bắt đầu từ đâu, nuôi con gì, trồng cây gì để thay đổi cuộc sống... Năm 2017, được Hội Nông dân xã tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế, vợ chồng ông Giàng mạnh dạn vay 100 triệu từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nậm Pồ để đào ao nuôi cá. Có nguồn vốn vay, cùng với số tiền tích góp được, nhận thấy 7.000m2 đất của gia đình có nguồn nước dồi dào, ông chuyển sang đào ao nuôi 4.000 cá rô đơn tính, 2.000 cá trắm cỏ.
Ông Mùa A Giàng chia sẻ, khi mới bắt tay đào ao nuôi cá, do chưa có kinh nghiệm, gặp thời tiết bất thường, cá nuôi thường bị nhiều dịch bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho gia đình. Để khắc phục khó khăn, phòng bệnh cho cá, ông cố gắng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo. Nắm vững kiến thức, có kinh nghiệm, ông thường xuyên vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, chủ động điều tiết nguồn nước khi chuyển mùa… Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật, tuân thủ quy trình chăn nuôi, đàn cá của gia đình ông luôn khỏe mạnh, ít dịch bệnh, đạt năng suất cao. Để giảm chi phí nguồn thức ăn công nghiệp, ông trồng thêm 1,5 ha sắn, cỏ voi tạo nguồn thức ăn dồi dào cho cá. Nhờ vậy, sản lượng cá của gia đình ông đạt từ 2,5-3 tấn, cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm.
Năm 2018, ông tiếp tục đầu tư trang trại chăn nuôi 15 con trâu, hàng trăm con gia cầm, kết hợp trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như sa nhân, mắc ca và cây ăn quả trên diện tích đất liền kề. Để có thêm kiến thức, ông tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình ở các địa phương khác và tự tìm tòi. Dần dần, ông Giàng đã biết cách áp dụng kỹ thuật, tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh hay gặp trên gia súc như tụ huyết trùng, lở mồm long móng... kết hợp với tiêm phòng đúng định kỳ, đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch, đàn gia súc, gia cầm của ông phát triển tốt.
Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp với quy mô 8.000m2 gồm cá, gia súc, gia cầm, cây công nghiệp, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông Giàng thu nhập ổn định từ 100-130 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện chăm lo cho 6 người con trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Năm 2020, gia đình ông đã mua được xe ô tô...
Gia đình anh Vàng A Là (44 tuổi, ở bản Nậm Chim 1) trước đây cũng thuộc diện khó khăn của bản. Với quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình chăn nuôi gia súc, vươn lên thành hộ khá giả.
Năm 2015, với số tiền 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Vàng A Là quyết định mua 2 con trâu và 3 con bò để phát triển chăn nuôi. Anh tâm sự, ban đầu khi mới bắt tay vào chăn nuôi, anh sợ thất bại nên chỉ mua số lượng gia súc ít để chăn nuôi thử. Vừa chăn nuôi, vừa tự tìm tòi học hỏi, nhờ đó anh dần biết cách chăm sóc để đàn gia súc ít dịch bệnh, khỏe mạnh, phát triển tốt. Những năm 2020 - 2022, nhận thấy giá trâu, bò xuống thấp, ít lợi nhuận, anh quyết định xuất, bán những con đực trưởng thành, chỉ giữ lại đàn trâu, bò mẹ sinh sản. Số tiền bán trâu, bò, anh dùng đầu tư mua dê và ngựa để phát triển chăn nuôi.
Theo anh Vàng A Là, với lợi thế đất đai rộng và đặc thù thổ nhưỡng thuận lợi của bản Nậm Chim, ngoài nuôi trâu, bò, việc nuôi dê và ngựa sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình anh Là đã có 70 con dê, 12 ngựa, 25 con trâu và 50 con bò, được chăn thả trên diện tích 70ha. Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp này, mỗi năm gia đình Vàng A Là thu nhập ổn định từ 100 đến 120 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn Mùa A Hòa cho biết, gia đình ông Mùa A Giàng và gia đình anh Vàng A Là là hai hộ không chỉ giỏi phát triển kinh tế mà còn luôn gương mẫu trong việc thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Họ luôn tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội; động viên, ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất. Ông Mùa A Giàng và anh Vàng A Là đều là những tấm gương sáng để đồng bào dân tộc nơi vùng cao học tập, noi theo. Các mô hình của họ đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới vùng cao Nậm Pồ.
Phan Quân