Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) là xã đặc biệt khó khăn, địa hình núi đá vôi, chia cắt, tình trạng khô hạn, hạn hán thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Theo UBND xã Phú Cường (Tân Lạc), đến thời điểm này, trên địa bàn chỉ 1 - 2 công trình cung cấp nước sạch tập trung đủ tiêu chuẩn được xây dựng nhưng đã xuống cấp trầm trọng, không còn sử dụng được. Người dân chủ yếu lấy nguồn nước từ khe núi dẫn về. Do biến đổi khí hậu, nguồn nước càng trở nên khan hiếm, các khe suối, mó nước đã cạn trơ đáy.
Anh Đinh Công Ẻo, Trưởng xóm Tằm Bát, xã Phú Cường (Tân Lạc) cho biết, xóm có 144 hộ gia đình sinh sống, nhiều năm nay bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đặc biệt vào mùa khô, chỉ có 20 - 30 hộ dân có nước để sinh hoạt, còn lại đều thiếu nước. Các hộ dân phải chia sẻ với nhau để có nước sinh hoạt, đời sống khó khăn. Trước đây có công trình nước sạch 135 để dẫn nước về cho các hộ dân, giờ đã xuống cấp hoàn toàn, không còn sử dụng được. Bà con mong các cấp chính quyền quan tâm sửa chữa lại các đường ống nước đã bị vỡ, mục nát, hỗ trợ kinh phí cho người dân khoan đào giếng nước để có nước sinh hoạt hàng ngày.
Anh Bùi Văn Ước, xóm Tằm Bát, xã Phú Cường, một trong những hộ khá giả đã tự đào được giếng khoan chia sẻ, người dân của xóm đều phải đầu tư ống ti-ô nhựa để kéo nước rất xa từ các mó nước, có nhà phải kéo ống đến 2-3km mới có nước để sinh hoạt. Các ống nước chỉ sử dụng được một thời gian ngắn là hỏng do trâu bò dẫm vào, người dân đi nương rẫy chặt phải... Gia đình anh Ước do ở quá xa các điểm lấy nước nên đã đầu tư đào giếng khoan, nhưng nước sinh hoạt chỉ đủ vào mùa mưa, còn mùa khô hạn thì vẫn không có đủ nước để sinh hoạt và sản xuất. Nhiều khi đến mùa Chiêm cũng không có nước để cày bừa gieo vụ.
Anh Bùi Văn Tỉnh, xóm Tằm Bát, xã Phú Cường cho biết, gia đình có giếng nước nhưng cũng chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt thường xuyên. Nhiều khi bơm chỉ được 5-10 phút, được 1 - 2 chậu nước, rồi lại chờ đến 1-2 ngày bơm tiếp mới có nước.
Tại mó nước chỉ rộng khoảng 2m2 tại xóm Tằm Bát, nhiều ống nước được cắm chằng chịt như mạng nhện, đầu lọc có gắn ống nhựa bằng chai nước La Vie đục lỗ để chắn rác, cỏ... Người dân chia sẻ, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, nhìn bằng mắt thường cũng thấy, trời mưa thì nước đục, có mùi tanh và các mùi khác... Việc lấy nước về sử dụng lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ phải dùng ống nhựa dẻo, kéo dài qua hàng cây số về nhà để dùng. Chưa kể, hàng ngày phải cắt cử thay phiên nhau đi kiểm tra các ống nước vì bị tắc, bị đứt.
Do mạch nước ngầm khan hiếm nên việc đào giếng không khả thi bởi địa chất nơi đây đa phần là đất đồi, đất đá, giếng có đào được cũng dễ bị vùi lấp do lở đất đá. Nếu thuê máy móc về đào sâu vài chục mét thì người dân không có đủ kinh phí.
Theo Chủ tịch UBND xã Phú Cường, ông Bùi Đức Phương, qua khảo sát, rà soát từ các công trình nước sạch trên địa bàn, đến nay hệ thống cung cấp nước sạch đã xuống cấp trầm trọng. Địa phương cũng có nhiều đề xuất cấp trên quan tâm đầu tư, sửa chữa để người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng. Trước mắt, xã mong muốn được quan tâm đầu tư từ các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để khoan giếng, xây dựng các bể chứa nước từ đầu nguồn dẫn nước về cho người dân sử dụng.
Mùa Hè nắng nóng, nhu cầu có nước sạch càng trở nên cấp thiết đối với người dân vùng cao nói chung, cũng như bà con xã Phú Cường nói riêng. Người dân mong mỏi các cấp, các ngành sớm đầu tư công trình nước sạch tập trung, giúp xã nghèo Phú Cường được sử dụng nguồn nước an toàn, hợp vệ sinh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững.
Thanh Hải