Người dân vùng cao Hòa Bình phát triển kinh tế từ nuôi gà ri thả vườn, đồi

Do việc tiêu thụ gà thả đồi, gà thả vườn khó khăn nên nhiều hộ ở xã Hương Nhượng (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã bỏ nuôi gà. Hiện chỉ còn gia đình bà Quách Thị Hòa (ảnh), xóm Bưng Cọi duy trì đàn gà khoảng 1.000 con. Ảnh: baohoabinh.com.vn
Do việc tiêu thụ gà thả đồi, gà thả vườn khó khăn nên nhiều hộ ở xã Hương Nhượng (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã bỏ nuôi gà. Hiện chỉ còn gia đình bà Quách Thị Hòa (ảnh), xóm Bưng Cọi duy trì đàn gà khoảng 1.000 con. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình đã và đang chuyển đổi hình thức chăn nuôi gà ta (gà ri bản địa) theo mô hình thả vườn, đồi dưới tán cây rừng. Với loại hình chăn thả này cho chất lượng thịt gà thơm ngon, dễ tiêu thụ và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, nghề chăn nuôi gà ở Hòa Bình gặp không ít khó khăn. Nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ bị đứt gãy, cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên hộ nuôi không thể duy trì nghề này.

Xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn là địa bàn nổi tiếng có giống gà ta tạo ra thương hiệu và là nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay số hộ còn duy trì nuôi gà tại đây đã không còn nhiều.

Người dân vùng cao Hòa Bình phát triển kinh tế từ nuôi gà ri thả vườn, đồi ảnh 1Do việc tiêu thụ gà thả đồi, gà thả vườn khó khăn nên nhiều hộ ở xã Hương Nhượng (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã bỏ nuôi gà. Hiện chỉ còn gia đình bà Quách Thị Hòa (ảnh), xóm Bưng Cọi duy trì đàn gà khoảng 1.000 con. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Gia đình bà Quách Thị Hòa, xóm Bưng Cọi là một trong những hộ chăn nuôi gà tập trung nhiều nhất ở xã Hương Nhượng đã tập trung khôi phục sản xuất bằng việc chuyển đổi chăn nuôi gà theo hình thức thả vườn, đồi để duy trì đàn gà ổn định kinh tế. Bà Hòa chia sẻ, hiện người chăn nuôi gà vẫn gặp khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi cao. Nhiều hộ gia đình không dám nuôi gà lai bởi nguy cơ thua lỗ là rất lớn nếu như không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật chăn thả.

Giống gà ri thuần chủng có sức khỏe tốt thích ứng với môi trường dễ nuôi trong điều kiện chăn thả đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều hộ nuôi tại huyện Lạc Sơn bởi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Hòa cho biết, trong tháng 5/2023, bà đã xuất bán 1.500 con gà ta với giá 130 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, mỗi con gà xuất bán cho lãi 30 nghìn đồng/con. Hiện bà đang nuôi một lứa gà mới với số lượng gần 800 con.

Ở xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, nhiều năm trở lại đây mô hình nuôi gà ta thả vườn, thả đồi đã được nhân rộng khắp các xóm. Như gia đình anh Bùi Văn Hùng, xóm Duộng Rềnh sau nhiều năm thử nghiệm nuôi lợn không thành công, thì gần đây đã chuyển sang nuôi gà ta. Trên diện tích khoảng 1 ha đồi keo, anh Hùng chia thành các khu để nuôi. Trung bình mỗi năm anh xuất bán khoảng 1,2 vạn gà đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng.

Anh Hùng cho biết, giống gà ta khi nuôi chỉ cho ăn cám công nghiệp trong khoảng một tháng rưỡi. Sau đó chuyển sang cho ăn ngô, thóc trước khi xuất ra thị trường nên chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon. Thời điểm hiện tại, giá gà ta vẫn khá ổn định nhưng cũng có lúc tăng lên tới 160 – 170 nghìn đồng/kg. Hiện nay, giá đang dao động từ 110 – 130 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ tất cả các chi phí người chăn nuôi vẫn có lãi.

Lạc Thủy là thủ phủ của thương hiệu "gà Lạc Thủy" nổi tiếng tỉnh Hòa Bình. Các hộ chăn nuôi nơi đây đã và đang có những bước thay đổi về mô hình chăn nuôi và có nhiều thành công. Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng tại huyện Lạc Thủy nhiều năm qua đã theo đuổi mô hình nuôi gà ri Lạc Thủy thả dưới tán rừng cây gỗ lớn. Nguồn thức ăn cho gà bằng cám thảo mộc do hợp tác xã tự sản xuất đã cho kết quả tốt với thời gian nuôi ngắn hơn và đặc biệt gà ít bệnh, lớn nhanh tiêu, tốn ít thức ăn, thịt gà thơm ngon, rắn chắc.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, bà Trần Thị Thắm cho biết, hợp tác xã áp dụng mô hình chăn nuôi theo chuỗi với các hộ nuôi vệ tinh cung cấp con giống và bao tiêu đầu ra. Hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 triệu con giống, gần 60 vạn con gà hữu cơ, khoảng 50 vạn quả trứng...

Với giá bán gà thành phẩm ra thị trường trung bình từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí các hộ thành viên thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/1.000 con gà; tạo ra việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cho các thành viên hợp tác xã và người dân địa phương.

Ông Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Thủy cho biết, hiện nay trên địa bàn có nhiều mô hình chăn nuôi gà ri bản địa thả vườn, đồi theo chuỗi khép kín. Các Hợp tác xã trên địa bàn đảm bảo việc cung cấp giống tốt đến việc bao tiêu đầu ra cho các hộ dân. Mô hình này góp phần duy trì và phát triển nguồn gen quý của giống gà ri Lạc Thủy; đồng thời, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 8,8 triệu con, giá gà ri thả vườn đang ở mức bình quân từ 110 – 120 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với gà công nghiệp khoảng 35 – 40 nghìn đồng/kg. Với lợi thế về thương hiệu gà ri tại các thị trường tiêu thụ trong nước và sẵn có lợi thế lớn về diện tích vườn, đồi thích hợp chăn thả gà ri thì đây là hướng phát triển kinh tế chăn nuôi hộ gia đình có nhiều triển vọng đem lại thu nhập kinh tế cao và ổn định cho người dân tỉnh Hòa Bình.

Lưu Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm