Mường Nhà là một trong những xã vùng biên, cách xa trung tâm huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), có đường biên giáp với Lào. Nơi đây được biết đến là vùng trồng dứa mật với diện tích lớn nhất, chất lượng quả tốt nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Hàng chục năm bén rễ trên đất Mường Nhà, đến nay cây dứa mật đã dần trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo.
Cách trung tâm xã Mường Nhà gần 15 km, Pu Lau một trong ba bản giáp biên của xã Mường Nhà và cũng là nơi có diện tích trồng dứa lớn nhất trong xã với khoảng 100 ha. Trên khắp những quả đồi ở bản Pu Lau, những nương lúa, nương ngô hầu như đã không còn mà thay vào đó là bạt ngàn những đồi dứa. Xen kẽ giữa những diện tích dứa đang cho thu hoạch là những đồi dứa mà người dân vừa gieo trồng.
Hơn một tuần qua, cứ vào sáng sớm, chị Vàng Thị Dế cùng chồng và các con lại lên nương để thu hoạch dứa mang về bán cho các thương lái từ thành phố Điện Biên Phủ vào thu mua. Trước đây gia đình chị thuộc hộ nghèo, thu nhập phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn và lúa nương. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô, lúa nương sang trồng dứa, hiện nay, mỗi vụ thu hoạch dứa, sau khi trừ chi phí, gia đình chị còn lãi từ 40-50 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định hàng năm, chị có thêm tiền để phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống, mua sắm các thiết bị cần thiết cho gia đình. Qua đó giúp gia đình chị xóa nghèo vươn lên làm giàu.
Theo Trưởng bản Vàng A Nếnh ở bản Pu Lau có 112 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Mông), hầu hết đều trồng dứa, hộ trồng ít từ 500-700 m2, hộ trồng nhiều thì vài ha. Cây dứa mật được người dân mang về trồng ở Pu Lau từ những năm 1990, ban đầu người dân chỉ trồng tự phát để phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình. Gần 10 năm trở lại đây, nhận thấy cây dứa mật là loại cây trồng có chất lượng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi đất trồng ngô, sắn, lúa nương kém hiệu quả sang trồng loại cây này.
Hiện bản Pu Lau có khoảng 100 ha diện tích trồng dứa; trong đó, khoảng 60 ha diện tích đang cho thu hoạch. Nhờ trồng dứa đã giúp người dân trong bản có nguồn thu nhập ổn định, hộ trồng ít thu từ 30 - 40 triệu đồng/vụ, hộ có diện tích lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Đến nay cả bản chỉ còn duy nhất một hộ nghèo.
Dứa mật Mường Nhà với đặc điểm quả to hơn các loại dứa bình thường, trung bình từ 1,5 - 2,5 kg/quả, cá biệt có những quả từ 3 - 4 kg. Thời gian thu hoạch dứa từ cuối tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Đây là giống dứa Lào với đặc trưng nhiều nước, mắt nông, ngọt, mép lá không có gai, ăn không rát lưỡi. Đặc biệt, sau mỗi vụ, dứa ra cây con, người dân có thể tách chồi trồng mới nên vụ sau bà con chủ động được nguồn giống.
Dứa Mường Nhà vẫn là một trong những nông sản dễ tiêu thụ trên thị trường, các thương lái từ nhiều nơi đã vào vườn để đặt mua dứa từ người dân. Với lợi thế nằm ngay bên đường vành đai biên giới, kết nối quốc lộ 279 nên người dân Mường Nhà tiêu thụ dứa rất thuận lợi. Dọc con đường từ trung tâm xã Mường Nhà đến bản Pu Lau, những ngày cao điểm vụ thu hoạch là khung cảnh tấp nập người bán người mua; gùi lớn, gùi nhỏ đựng dứa được vận chuyển tập kết xuống các lán ven đường. Giá bán dứa được phân theo loại quả, quả bé nhất bán tại vườn khoảng 5.000 đồng/kg, quả to khoảng 13.000 đồng/kg.
Chị Lường Thị Thanh, một tiểu thương từ thành phố Điện Biên Phủ đã chạy xe tải đi quãng đường gần 60 km vào bản Pu Lau để thu mua dứa. Chị Thanh cho biết, từ cuối tháng 6 khi bắt đầu vào vụ thu hoạch dứa ở xã Mường Nhà, hầu như ngày nào chị cũng vào bản Pu Lau để thu mua dứa, mỗi ngày chi thu mua được khoảng 5-6 tạ dứa. Số lượng dứa thu mua được chị gửi đi Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc cho khách đặt mua từ trước. Theo chị Thanh, chất lượng dứa ở Pu Lau được khách ở thành phố Điện Biên Phủ và các tỉnh đánh giá cao bởi vậy việc tiêu thu dứa cũng dễ dàng.
Nhằm đảm bảo đầu ra về lâu dài cho dứa Mường Nhà, năm 2022, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã Dứa Mường Nhà nhằm liên kết các hộ dân phát triển, nhân rộng và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Theo ông Vàng A Tỷ, Phó giám đốc Hợp tác xã Dứa Mường Nhà, hợp tác xã thường xuyên hướng dẫn bà con trồng dứa theo quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả. Đến mùa thu hoạch, hợp tác xã sẽ nhận tiêu thụ toàn bộ sản lượng cho bà con, đồng thời liên kết với các công ty thu mua dứa. Hiện nay, hợp tác xã đang thực hiện sản xuất, kinh doanh hơn 60 ha dứa, sản lượng đạt 1.500 tấn/năm. Năm 2023, doanh thu trồng dứa của hợp tác xã và các hộ dân bản Pu Lau đạt trên 5 tỷ đồng.
Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng dứa. Từ cuối năm 2023 đến nay đã mở rộng được hơn 15 ha. Đến nay, ngoài bản Pu Lau, trên địa bàn xã Mường Nhà, người dân một số bản như na Khoang, Phì Cao, Huổi Hương, Pha Thinh cũng đã dần chuyển đổi cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng dứa. Năng suất ước đạt khoảng 30 tấn quả tươi/ha. Cây dứa mật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Mường Nhà, chủ trương của huyện Điện Biên là phát triển dứa Pu Lau thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, huyện cũng đã triển khai mô hình thâm canh dứa tại bản Pu Lau. Mô hình nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất và thâm canh dứa ăn quả, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là hướng người nông dân sản xuất 100% theo hướng hữu cơ. Qua đó, đưa cây dứa mật dần trở thành cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ổn định tại địa phương.
Xuân Tư