Vừa dạy kiến thức văn hóa, vừa dạy Ngữ văn Khmer và tiếng Pali cho học viên, Trường Bổ túc văn hóa (BTVH) Pali Trung cấp Nam Bộ hiện là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là các sư sãi, người dân tộc Khmer Nam Bộ của 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS nơi đây.
Sau gần 30 năm thành lập, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tỉnh Sóc Trăng trở thành nơi đào tạo đội ngũ sư sãi người Khmer của các tỉnh khu vực Nam Bộ, tham gia hoạt động trong hệ thống Phật giáo Nam tông Khmer, hoạt động xã hội sau khi xuất tu. Sau khi được nâng cấp, mở rộng trên cơ sở trường cũ, hiện Trường nằm trong khuôn viên chùa Kh’Leang, đường Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng.
Trường Bổ túc văn hóa (BTVH) Pali Trung cấp Nam Bộ - ngôi nhà chung của các Tăng sinh Khmer Nam Bộ. Ảnh: An Hiếu
Trường Bổ túc văn hóa (BTVH) Pali Trung cấp Nam Bộ được xây dựng theo kiến trúc của văn hóa dân tộc Khmer. Ảnh: An Hiếu
Trong khuôn viên rộng gần 10.000m2, Trường xây dựng được một cơ ngơi khang trang, hệ thống trường lớp sạch đẹp với khu hiệu bộ, nhà học, thí nghiệm, ký túc xá, nhà ăn, thư viện... Hiện có 7 lớp học (từ lớp 6 đến lớp 12 mỗi cấp có 1 lớp), 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó giáo viên giảng dạy là 21 người đang theo học ở đây.
Theo Thầy Lâm Nhưm, Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ thì năm học 2022 - 2023 tổng số 192 học viên, 100% học viên đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, số học viên được công nhận đạt trình độ tiếng Khmer lớp 9 đạt 100%; lớp 12 đạt 100%; có 31 học viên đạt tốt nghiệp Trung cấp tiếng Pali-Ngữ văn Khmer, đạt tỷ lệ 100%.
Tăng sinh Khmer đang học tập tại Trường Bổ túc văn hóa (BTVH) Pali Trung cấp Nam Bộ. Ảnh: An Hiếu
Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ được đầu tư, trang bị đầy đủ các thiết bị đáp ứng nhu cầu học tập của các tăng sinh Khmer. Ảnh: An Hiếu
Thầy Lâm Nhưm cũng cho biết thêm, từ khi thành lập đến nay, trường đã có khoảng 1200 tăng sinh, các vị sư theo học ở đây 5 năm, từ cấp Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông, tương đương từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đây là các lớp học theo chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông và sử dụng sách giáo khoa hệ giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể cả chương trình tiếng Khmer, tiếng Pali cũng là chương trình của Bộ.
Ngoài ra, thực hiện Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019-2023, Trường đã đào tạo được 4 khóa với trên dưới 1000 cán bộ, viên chức cũng như phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thực hiện các chương trình dạy tiếng Khmer qua sóng truyền hình.
Song song với việc giảng dạy văn hóa, trường luôn chú trọng nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ nhận thức, quán triệt chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và địa phương cho học viên. Trường thường triển khai thông tin, tuyên truyền vào buổi sinh hoạt đầu tuần, từ những chủ trương lớn, những thành tựu của nền kinh tế-xã hội đến những chính sách về dân tộc, tôn giáo...
Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên nhà trường không ngừng nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do nhà trường và ngành Giáo dục phát động. Học viên có nhiều nỗ lực trong học tập, chấp hành tốt nội quy, quy chế của nhà trường, giới luật của nhà sư.
Giờ học tiếng Khmer tại Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ. Ảnh: An Hiếu
Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ được đầu tư trang bị hệ thống máy tính phục vụ cho việc học tập của các tăng sinh Khmer. Ảnh: An Hiếu
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Trường BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ nhiều năm liền là điển hình trong thực hiện các chương trình thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ kết quả chuyên môn cũng như các hoạt động có ý nghĩa khác, Trường đã khẳng định hướng đi đúng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các vị sư sãi Khmer, nâng cao trình độ văn hóa và đào tạo cán bộ trí thức người Khmer cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công tác dân tộc ở các địa phương cũng như tạo nguồn nhân lực tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh Sóc Trăng cũng như các tỉnh trong khu vực.
Nguyễn Thị Thu Hải