Thành lập từ năm 1992, Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương là nơi “ươm mầm” tương lai cho nhiều thế hệ học sinh dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng. Từ mái trường này, biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, trở về góp sức xây dựng xóm làng, phum sóc ngày càng giàu đẹp, văn minh…
Ngôi nhà chung của con em đồng bào các dân tộc tỉnh Sóc Trăng
Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú (THPTDTNT) Huỳnh Cương (Phường 3, thành phố Sóc Trăng), tiền thân là Trường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vùng sâu và dân tộc tỉnh Sóc Trăng. Năm 2005, trường chính thức mang tên Huỳnh Cương - một cán bộ lão thành cách mạng người Khmer. Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Huỳnh Cương hiện là một trong những trường tiêu biểu của ngành giáo dục-đào tạo, nằm trong danh sách 10 trường có số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển đại học cao của tỉnh. Năm 2014, trường được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn quốc gia, năm 2019 tái chuẩn và đang làm hồ sơ tái chuẩn lần 3 vào năm 2024.
Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, ngôi nhà chung của con em đồng bào các dân tộc tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với học sinh Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương nhân chuyến công tác tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Dương Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, động viên và tặng quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương nhân chuyến công tác tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Dương Giang
Đến thăm Trường THPTDTNT Huỳnh Cương, tận mắt chứng kiến các phòng học, khu nhà hiệu bộ, khu nhà nội trú, tường rào bao quanh, cây xanh bóng mát… chúng tôi không khỏi ấn tượng về một không gian học tập khang trang, sạch đẹp. Chúng tôi cũng cảm nhận rõ không khí học tập sôi nổi, hăng say của con em đồng bào ở khắp các xóm làng, phum sóc hội tụ về đây để học tập.
Với đặc thù học sinh là người dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước đã có các chính sách về giáo dục dân tộc nhằm chắp cánh ước mơ cho các em hướng tới tương lai tươi sáng. Học sinh Trường THPTDTNT Huỳnh Cương hiện đang được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 80% mức lương cơ sở/tháng, được miễn giảm học phí theo quy định, riêng học sinh Khmer còn được cấp thêm sách giáo khoa tiếng Khmer, vở, bút…
Khu nội trú của Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương thông thoáng, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập của các học sinh các dân tộc . Ảnh: Tuấn Phi
Các em học sinh Khmer trong khuôn viên Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương. Ảnh: An Hiếu
Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 46 cán bộ giáo viên, 100% có trình độ đạt chuẩn; 25 phòng học, 1 thư viện, 1 phòng thiết bị giáo dục, 1 phòng tư vấn học đường và khu sân chơi, nhà bếp, nhà ăn, khu nhà nội trú… Năm học 2022 - 2023, trường có 18 lớp, 617 học sinh, trong đó có 13 học sinh giỏi cấp tỉnh, 0,16% học sinh xuất sắc, giỏi và trên 87% đạt loại khá. 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều em trúng tuyển vào đại học. Năm học 2023 - 2024, với 18 lớp, 618 học sinh, nhà trường quyết tâm giữ vững thành tích 100% đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh thôi học còn dưới 0,5%...
Góp phần gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa Khmer
Là ngôi trường chủ yếu dành cho con em đồng bào dân tộc Khmer nên ngay từ khi mới thành lập, Trường THPTDTNT Huỳnh Cương đã chú trọng công tác dạy và học tiếng Khmer. Hiện nay, trường có 33 giáo viên là người dân tộc thiểu số, trong đó có 3 giáo viên đạt chuẩn về đào tạo tiếng Khmer.
Giờ học tiếng Khmer của học sinh lớp 11 tại Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu
Không gian học tập được đầu tư, phục vụ tốt cho con em đồng bào các dân tộc học tập tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương. Ảnh: An Hiếu
Các học sinh trong giờ học tin học tại Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi
Bên cạnh các chương trình theo quy định, trường còn tìm hiểu, nghiên cứu hình thức tổ chức dạy học chữ Khmer ở các chùa; tổ chức sinh hoạt ngoài giờ, sinh hoạt nội trú lồng ghép tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức tự học và sử dụng tiếng Khmer; tổ chức cuộc thi “Hùng biện tiếng Khmer”… Cùng với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các hoạt động giảng dạy khác, các em học sinh của trường còn được học tiếng Khmer 2 tiết/tuần theo tài liệu song ngữ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Sóc Trăng.
Để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Khmer, trường còn phối hợp với các cơ quan chức năng, nghệ nhân giảng dạy, giáo dục học sinh yêu lao động, sản xuất, yêu quê hương, đất nước, yêu giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Oóc Om Bóc…; thuyết trình, phác họa trang phục dân tộc... Bên cạnh đó, Trường THPTDTNT Huỳnh Cương còn duy trì đều đặn hoạt động văn nghệ, thể thao. Nhiều học sinh của trường đã đạt giải cao ở các cuộc thi điền kinh, bơi lội, bóng rổ cấp tỉnh, hội thi văn nghệ các trường THPTDTNT…
Các học sinh Khmer tập luyện nhạc ngũ âm tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương. Ảnh: An Hiếu
Giờ sinh hoạt tập thể của các học sinh các dân tộc tại Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu
Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp “trồng người”, Trường THPTDTNT Huỳnh Cương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPTDTNT Huỳnh Cương chia sẻ: “Trường dự kiến sẽ nâng từ 6 lớp/khối lên 7 lớp/khối. Để duy trì tỷ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, 80% học sinh đỗ vào các trường đại học danh tiếng, nhà trường mong muốn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của ngành, sự phối hợp của chính quyền địa phương”.
“Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương tự hào về đội ngũ giáo viên vững vàng về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Trong công tác giảng dạy, bên cạnh những môn học chính khóa, nhà trường còn đặc biệt quan tâm tới việc gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa Khmer, góp phần phát triển yếu tố tinh thần, chắp cánh cho các em thực hiện ước mơ…”Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương.
Thu Hương