Một quần thể rạn san hô. Ảnh: jcu.edu.au |
Nghiên cứu nói trên do Tiến sĩ Ed Roberts của Đại học James Cook (JCU) (Australia) dẫn đầu cùng với các cộng sự tiến hành nhằm tìm hiểu sự đa dạng sinh học về san hô tại Vịnh Kimbe của Papua New Guinea. Các nghiên cứu trước đây cho rằng lượng ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn đem đến nhiều năng lượng hơn dẫn đến hệ sinh thái rạn san hô trở nên đa dạng hơn. Cho rằng các công trình này thiếu dữ liệu chất lượng cao, nghiên cứu mới khảo sát bộ dữ liệu lớn chưa từng thấy gồm 8.460 quần thể san hô ở 6 rạn san hô với những độ sâu khác nhau.
Tiến sĩ Roberts giải thích, về mặt lý thuyết, nhiều nguồn năng lượng hơn cho phép nhiều cá thể hơn cùng tồn tại và điều này cũng cho phép nhiều loài duy trì đủ số lượng để tránh bị tuyệt chủng cục bộ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Roberts cho biết nghiên cứu của họ không đồng nhất với giả thuyết “kinh điển” về sự liên quan giữa ánh sáng Mặt Trời và đa dạng sinh học.
Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học phát hiện quần thể san hô đa dạng nhất thực ra lại nằm ở độ sâu khoảng 15 – 20 mét và càng ở tầng nông hơn thì càng ít san hô hơn.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Tom Bridge thuộc JCU, cho rằng kết quả bất ngờ trên có thể khiến giới khoa học xem xét lại lý thuyết khoa học về môi trường theo quy mô rộng lớn hơn. Ông cho rằng những rạn san hô cực kỳ đa dạng là hệ sinh thái lý tưởng để kiểm chứng giả thuyết về sự đa dạng sinh học trong tự nhiên.
Theo các tác giả, công trình nghiên cứu mới đặt ra câu hỏi về tính bền vững của những giả thuyết hiện nay xét trên bình diện rộng lớn hơn như hệ sinh thái nước ngọt, nước mặn và trên mặt đất. Do đó, các nhà sinh thái học có lẽ cần xem xét lại những nguyên nhân căn bản tác động đến sự đa dạng sinh học.
Nguyễn Hằng