Khu vực trồng rừng ngập mặn tại đảo Cát Bà. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN |
Tại Quyết định 454/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, mục tiêu nêu rõ bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch. Đồng thời, nâng cao độ che phủ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học, phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố đến năm 2020 và mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Khai thác hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển, ven sông; phục hồi và phát triển rừng đặc dụng và trồng cây xanh tạo cảnh quan khu vực nông thôn. Trong đó, đối với giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, phải rà soát quy hoạch chi tiết diện tích rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng bản đồ quy hoạch chi tiết; xác định ranh giới và cắm mốc giới ổn định các loại rừng theo quy định. Cùng đó, tổ chức rà soát việc giao đất, giao rừng; lập phương án giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cộng đồng và các tổ chức kinh tế, xã hội; thực hiện phân định ranh giới, cắm mốc trên thực địa, đảm bảo rừng có chủ quản lý theo luật định. Xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa đất lâm nghiệp quy mô tối thiểu 01 ha trở lên để phát triển trang trại, gia trại rừng... Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng, hệ thống quản lý rừng của thành phố hiện đang bộc lộ một số hạn chế như: số liệu quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng chưa thống nhất với số liệu quy hoạch đất lâm nghiệp của ngành tài nguyên (ranh giới quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng qua kiểm kê có xen lẫn cả đất quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp và các loại đất khác). Cơ cấu các loại rừng (đặc dụng, phòng hộ) giữa quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và quy hoạch sử dụng đất của ngành Tài nguyên và Môi trường chưa thống nhất về tiêu chí phân loại. Đặc biệt, quá trình thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2013 đến nay, nhiều diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế của thành phố. Điều này dẫn tới thực trạng chủ quản lý rừng và đất lâm nghiệp thay đổi nhiều. Từ năm 2013 đến nay, thành phố đã giao hơn 4.700 ha cho gần 1.500 hộ (chiếm 68% đất lâm nghiệp), song công tác giao đất, giao rừng những năm trước đây tại các địa phương như: Thủy Nguyên, An Lão, Đồ Sơn, Kiến An, Cát Hải,... diện tích đất giao cho các hộ rất manh mún, phân tán. Bình quân mỗi hộ được giao 2ha rừng, cá biệt có hộ được giao 0,33ha. Cùng với đó, bản đồ rải thửa giao đất trước đây không có nền địa hình và không có hệ tọa độ quy chiếu, nên không thể xác định được vị trí, diện tích đất giao cho từng chủ hộ, một số hộ dân có diện tích rừng được giao nhưng không xác định được diện tích rừng của mình trên thực địa. Ông Phạm Văn Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng cho biết, việc giao đất, giao rừng manh mún đã làm cho việc phát triển rừng còn hạn chế nhiều. Kéo theo đó là người dân cũng không thể làm kinh tế từ những diện tích nhỏ lẻ này khiến các hộ không mặn mà với rừng, do đó rừng càng không được chăm sóc, mở rộng thêm. Độ che phủ rừng của các hộ gia đình, cá nhân quản lý đạt thấp, như: ở Cát Hải, Bạch Long Vỹ, Đồ Sơn, độ che phủ chỉ đạt 15%-37%. Những vụ tranh chấp diện tích quản lý, xâm lấn đất rừng được giao khoán, vận chuyển lâm sản trái phép... diễn ra phổ biến. Chỉ trong quý I/2018, Hải Phòng đã xảy ra 6 vụ cháy gây thiệt hại hơn 30.000 m2 thảm thực vật và cây. Từ những hạn chế trên, việc hoàn thiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết. Từ đó, nhằm xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp triển khai thực hiện giao rừng, cho thuê rừng đồng bộ trên địa bàn, góp phần quản lý rừng bền vững và nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.
Hoàng Ngọc