Hàng năm, các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã cung cấp ra thị trường từ 12 – 14 triệu con gà đồi, giá trị sản xuất khoảng 1.500 tỷ đồng; đồng thời, tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm gà đồi Yên Thế và nhiều năm liền được nhận các giải thưởng do các tổ chức, hiệp hội bình chọn.
Nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế hiện đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại các nước: Lào, Trung Quốc, Singapore. Ở trong nước, thương hiệu gà đồi Yên Thế đã trở nên quen thuộc và được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành sử dụng trong các bữa ăn của mình…
Theo Bí thư Huyện ủy Yên Thế Bùi Thế Chung, thời gian tới, huyện sẽ phát huy lợi thế, tiềm năng, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và thương hiệu gà đồi Yên Thế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Với Chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 và trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; trong đó, có sản phẩm gà đồi Yên Thế, huyện Yên Thế đã tập trung phát triển các hình thức liên kết sản xuất; đổi mới phương thức chăn nuôi gà đồi thông qua cơ chế khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, làm cơ sở xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị.
Huyện tạo điều kiện thuận lợi để hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư chăn nuôi, chế biến, hình thành các chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế.
Thời gian tới, huyện Yên Thế đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, chế biến gà đồi Yên Thế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gà đồi Yên Thế trên thị trường. Huyện ưu tiên các nhiệm vụ khoa học, công nghệ gắn với các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến gà đồi; mở rộng các vùng chăn nuôi gà đồi theo quy trình VietGAP, quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hình thành các vùng sản xuất gà đồi an toàn.
Huyện Yên Thế cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất con giống, cơ sở chế biến các sản phẩm từ gà đồi Yên Thế nhằm đa dạng các sản phẩm qua chế biến. Đầu tư xây dựng điểm thu gom, trung chuyển, buôn bán tập trung gà đồi Yên Thế tại thị trấn Phồn Xương.
Địa phương tăng cường quảng bá thương hiệu gà đồi Yên Thế gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm đối với các sản phẩm chế biến từ gà đồi Yên Thế. Có cơ chế hỗ trợ phát triển Nhãn hiệu Chứng nhận gà đồi Yên Thế; tiến tới xây dựng nhãn hiệu sản phẩm gà đồi Yên Thế thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp quốc gia.
Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, diện tích tự nhiên hơn 300 km2, chủ yếu là đồi núi và đất bán sơn địa, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp đa dạng với kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi.
Trong chăn nuôi, huyện Yên Thế đã sớm xác định gà đồi là con vật nuôi chủ lực và phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng và quy mô lớn. Từ năm 2011, gà đồi Yên Thế - Bắc Giang là con vật nuôi đầu tiên của cả nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu Chứng nhận.
Duy trì và phát triển bền vững Nhãn hiệu Chứng nhận “Gà đồi Yên Thế”, huyện Yên Thế đã ban hành và thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng VietGAP giai đoạn 2013 – 2015; Đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững huyện Yên Thế giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, định hướng quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi gà đồi quy mô lớn…
Huyện Yên Thế đã tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn; duy trì quy mô tổng đàn gà đồi ổn định khoảng 4 triệu con; điều chỉnh tổng đàn hợp lý từng thời điểm để phù hợp nhu cầu thị trường; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất thông qua phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trong chăn nuôi. Trên địa bàn huyện hiện nay đã hình thành các vùng sản xuất gà đồi tập trung tại các xã Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Canh Nậu, Tiến Thắng, Tam Hiệp, Tam Tiến… với sản phẩm chủ yếu là gà Ri lai, Mía lai.
Việt Hùng