Nan giải bài toán sinh con thứ ba trở lên cao tại Kon Tum (Bài 3)

Nan giải bài toán sinh con thứ ba trở lên cao tại Kon Tum (Bài 3)

Bài 3 (Bài cuối): Cần nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt

Trong bối cảnh tỉ lệ sinh con thứ ba ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn cao, công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình còn chưa mang lại tác động như mong muốn, thì mô hình “Câu lạc bộ không sinh con thứ ba” là một điểm sáng trong công tác dân số tại địa phương. Nhờ hiệu quả của những câu lạc bộ này, nhiều thôn, làng đã giảm được tỉ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Nan giải bài toán sinh con thứ ba trở lên cao tại Kon Tum (Bài 3) ảnh 1Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ không sinh con thứ ba ở xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum hiện có 6 câu lạc bộ không sinh con thứ ba, tập trung tại các xã Đăk Tờ Re, Đăk Ruồng, Đăk Pne, Tân Lập và thị trấn Đăk Rve. Tại xã Đăk Pne, câu lạc bộ không sinh con thứ ba được hình thành từ năm 2009. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có 10 thành viên, nhưng đến nay đã nâng lên 26 thành viên là các chị em phụ nữ trên địa bàn xã, trong đó có 25 người là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Bà Lê Thị Hồng Linh, phụ trách phòng dân số, Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cho biết, mỗi tháng một lần, câu lạc lại tổ chức sinh hoạt cho các hội viên tại nhà rông thôn 3, xã Đăk Pne. Tại mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên trong câu lạc bộ được nghe cán bộ dân số xã tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, chăm sóc gia đình, con cái. Trong đó, các hội viên được tuyên truyền không sinh con thứ ba trở lên để giảm gánh nặng về kinh tế, nâng cao chất lượng dân số.

Nan giải bài toán sinh con thứ ba trở lên cao tại Kon Tum (Bài 3) ảnh 2Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ không sinh con thứ ba ở xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum thăm gia đình hội viên là chị Đinh Thị Nả (sinh năm 1978); nhờ sinh 2 con, gia đình chị đã thoát được nghèo từ năm 2017. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.  

Chị Y Lan, sinh năm 2000, trú xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy cho biết, chị tham gia vào câu lạc bộ không sinh con thứ ba từ năm 2018. Khi ấy, chị vẫn chưa lập gia đình. Khi tham gia vào câu lạc bộ, chị đã được các hội viên tuyên truyền kiến thức về việc không sinh con thứ ba, áp dụng các biện pháp phòng tránh thai hiện đại, nuôi con tốt, dạy con ngoan. Đến nay, chị đã lập gia đình và có một người con 5 tháng tuổi, mỗi khi câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, chị đều tham gia đầy đủ.

“Em hiểu được việc không sinh con thứ ba sẽ mang lại nhiều lợi ích, đầu tiên là về kinh tế. Tuy chưa phải là khá giả, nhưng em biết ổn định về kinh tế sẽ giúp em chăm sóc con cái tốt hơn, lo cho con được đầy đủ hơn. Có được kiến thức đó, em về làng và tiếp tục tuyên truyền cho những người chưa biết, hoặc không tham gia câu lạc bộ. Ngoài ra, em đến đây cũng được các cô, các chị chỉ bảo cho phương pháp dạy con tốt nhất”, Y Lan chia sẻ.

Còn chị Đinh Thị Nả, sinh năm 1978, trú xã Đăk Pne cho biết, chị tham gia vào câu lạc bộ không sinh con thứ ba từ năm 2015. Thời điểm đó, dù chỉ mới có một con song gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn. Từ khi tham gia câu lạc bộ, được tuyên truyền về kiến thức dân số - kế hoạch hóa gia đình, vợ chồng chị chỉ sinh thêm một người con nữa vào năm 2016 rồi dừng lại. Cùng với việc được chị em trong câu lạc bộ chia sẻ kiến thức về phát triển kinh tế, đến năm 2017, gia đình chị đã thoát nghèo.

Bà Y Quar, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pne đánh giá, mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ ba mang lại hiệu quả lớn cho địa phương. Chị em đến đây đã được nghe các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới và được tư vấn về sử dụng các biện pháp tránh thai. Nhờ đó, giảm được tỉ lệ sinh con thứ ba, giảm được nghèo.

“Trước đây, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn xã rất cao, nhưng đến nay đã xuống rất thấp. Đặc biệt, có một số thôn, làng không còn xuất hiện tình trạng sinh con thứ ba trở lên như thôn 3. Nhờ đó, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 của xã chỉ còn 2,01%; kinh tế xã hội của địa phương phát triển; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 45% so với con số trên 50% của năm 2019”, bà Y Quar phân tích.

Trong khi đó, Câu lạc bộ không sinh con thứ ba tại thôn Ty Tu, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cũng đang mang lại những tín hiệu tích cực cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Bà Ksor Thị Thủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ không sinh con thứ ba ở thôn Ty Tu cho biết, xuất phát từ mục đích giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn, câu lạc bộ được thành lập vào năm 2014. Đến nay, câu lạc bộ luôn duy trì khoảng 30 thành viên, sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần. Nhờ vậy, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên tại thôn Ty Tu cũng giảm đi nhiều. Trong thôn hiện có khoảng 30 hộ trong tổng số 75 hộ không sinh con thứ ba, cao hơn nhiều với con số 1 – 2 hộ ở thôn Ngọc Leang và nhiều thôn, làng khác.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hồng Linh, phụ trách phòng dân số, Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy, hiện nay, việc mở rộng, phát triển mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ ba còn gặp nhiều khó khăn, do kinh phí còn hạn chế. Vì vậy, các địa phương vẫn tập trung duy trì các mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ ba hiện có, mà chưa có kế hoạch nhân rộng.

Theo ông Từ Hữu Phước, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Kon Tum, hiện nay toàn tỉnh có 56 câu lạc bộ không sinh con thứ ba với gần 3.000 thành viên. Trong giai đoạn 2015 – 2020, các câu lạc bộ đã tổ chức khoảng 4.300 lần sinh hoạt, thu hút trên 101.000 người tham gia. Các câu lạc bộ này đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số của tỉnh. Với phương châm hoạt động là “sinh ít con để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, tại các buổi sinh hoạt, câu lạc bộ đã phối hợp với Chi hội phụ nữ tuyên truyền biện pháp sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình.

Nan giải bài toán sinh con thứ ba trở lên cao tại Kon Tum (Bài 3) ảnh 3Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đăk Pne có điều kiện học tập đầy đủ nhờ tỉ lệ sinh con thứ ba thấp. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

“Đến nay, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 còn 13/1.000, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên còn 15,6%; tỉ số giới tính khi sinh là 106 bé trai/100 bé gái, ở mức cân bằng tự nhiên. Những kết quả này có sự góp phần không nhỏ của mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ ba. Trong thời gian tới, Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục tham mưu Sở Y tế, các cấp ủy đảng, chính quyền phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ để nhân rộng và nâng cao hiệu quả của mô hình này”, ông Từ Hữu Phước nhấn mạnh.

Cùng với nhiều biện pháp khác của ngành dân số tỉnh Kon Tum, mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ ba đã mang đến những tín hiệu tích cực cho công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình. Ngành Y tế tỉnh Kon Tum cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho mô hình này, bởi đây chính là hướng đi đúng đắn cho công tác dân số của tỉnh – địa phương có tỉ lệ tăng dân số tự nhiên cao nhất khu vực Tây Nguyên.

“Cùng với hỗ trợ mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ ba, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giảm sinh, vận động nhân dân thực hiện “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con để nuôi và dạy cho tốt”; đồng thời cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, đa dạng, thuận tiện với chất lượng cho các đối tượng; đề xuất chính sách hỗ trợ đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm tỉ lệ sinh con thứ ba theo từng năm”, bác sỹ Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum khẳng định.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm