Những năm vừa qua, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã triển khai xây dựng một số mô hình liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đến nay, các chuỗi liên kết này đều phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương…
Với trên 8.000 ha mặt hồ sinh thái, nguồn nước tự nhiên sạch, lượng thủy sinh đa dạng, dồi dào, huyện Na Hang có nhiều lợi thế để đồng bào dân tộc phát triển nghề thủy sản. Ảnh: An Thành Đạt
Ngành nông nghiệp huyện Na Hang thời gian qua đã hình thành được một số chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa. Việc tổ chức các chuỗi liên kết giá trị này đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần mở rộng quy mô, nâng cao giá trị nông sản cho đồng bào dân tộc, điển hình là các mô hình: chè Shan tuyết Hồng Thái, rau an toàn Hồng Thái, cá đặc sản Na Hang, bún khô Đà Vị…
Tại Hợp tác xã (HTX) chè Sơn Trà, đơn vị điển hình của huyện Na Hang trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ, ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX chè Sơn Trà cho biết: “Xã Hồng Thái có trên 64 ha chè Shan tuyết, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, 35 ha chè trồng trên 25 năm tuổi đang được HTX liên kết với các hộ đồng bào bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết sản xuất chè giữa HTX với các hộ đồng bào đã tạo ra hướng đi mới cho cây chè truyền thống. HTX đang tập trung vào phân khúc chè chất lượng cao, trong đó nhiều sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao”.
Cũng hoạt động trên địa bàn xã Hồng Thái, HTX nông nghiệp Hồng Thái lại tổ chức liên kết, vận động đồng bào trồng các loại rau trái vụ theo hướng an toàn như bắp cải, bí xanh thơm, su su, lê… Các sản phẩm đều được đưa về miền xuôi tiêu thụ, giúp đồng bào tăng thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Đến nay, xã Hồng Thái có trên 3 ha rau an toàn, hơn 3 ha bí xanh thơm, sản lượng đạt trên 20 tấn/năm…
Đến làng nghề bún khô Đà Vị, không khó để bắt gặp hình ảnh bà con dân tộc Tày đang tất bật phơi bún. Trải qua nhiều năm, bún khô Đà Vị vẫn giữ nguyên được vị ngon vốn có. Để khẳng định thương hiệu bún khô Đà Vị, huyện đang đẩy mạnh phát triển các xưởng làm bún khô, xây dựng bao bì nhãn mác, tổ chức liên kết chuỗi giá trị tạo đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ đồng bào vay vốn sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập.
Na Hang hiện có 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang nhận định: “Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị đã góp phần đổi mới tư duy sản xuất của đồng bào, tạo công ăn việc làm tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tạo đà để Na Hang về đích nông thôn mới trong thời gian tới”.
Hoàng Tâm