Kiểm tra xuất xứ cam Vinh bằng điện thoại di động bằng phần mềm quét mã QR. ẢNh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Năm 2007, tại Quyết định số 386/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh được xác lập bao gồm 12 xã thuộc 5 huyện: Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn với 3 giống cam Xã Đoài, Vân Du, Sông Con có diện tích hơn 1.600 ha. Sau 10 năm, diện tích trồng cam trong vùng chỉ dẫn địa lý đã lên tới 5.000 ha. Hai năm trở lại đây, Cam Vinh đã được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 10 đơn vị được dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh gồm: Công ty Nông công nghiệp 3/2; Công ty TNHH MTV Sông Con; Công ty Nông nghiệp CNC Phủ Quỳ; Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành; HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5; HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Xuân Hợp; HTX sản xuất kinh doanh cam Phùng Huyền; HTX Dịch vụ tổng hợp Tấn Thanh; Công ty TNHH nông nghiệp CNC Phương Thảo và Công ty CP trang trại nông sản Phủ Quỳ. Vụ cam năm 2018, ước tính có hơn 1 triệu quả cam Vinh được dán tem điện tử, tăng 500.000 quả so với năm trước. Việc áp dụng công nghệ cao, điển hình là sử dụng dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho cam Vinh bằng phần mềm quét mã QR đã giúp người tiêu dùng yên tâm khi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, vùng trồng, hộ gia đình trồng để tránh không phải mua phải sản phẩm kém chất lượng. Gia đình bà Nguyễn Thị Hải Yến, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp là một trong những hộ trồng cam nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh cho biết, nhà bà trồng cam đã nhiều năm nay. Từ khi dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, giá cam luôn bán ở mức ổn định từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. Ngày càng nhiều người biết đến vườn cam của bà khi chỉ cần điện thoại tra cứu thông tin qua mã vạch tem dán trên sản phẩm.
Thu hoạch cam Vinh tại vườn ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Nhà chị Nguyễn Phương Thảo cùng xã Minh Hợp có gần 10 ha cam Vinh đang vào vụ thu hoạch. Ước tính năm nay gia đình thu khoảng hơn 200 tấn cam quả. Đây là hộ gia đình điển hình của vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Chị Thảo thành lập riêng Công ty TNHH nông nghiệp CNC Phương Thảo để quảng bá thương hiệu cam Vinh của quê hương mình đến với người tiêu dùng. Chị Thảo cùng nhiều bà con nông dân tại xã Minh Hợp liên kết lại với nhau, áp dụng cùng một quy chuẩn chăm sóc, trao đổi kinh nghiệm, sử dụng phân bón từ nguồn gốc tự nhiên nên cam cho trái đều, mọng nước, chất lượng. Cam Vinh đã có mặt ở các tỉnh thành như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Cam Vinh có giá trị kinh tế cao nhưng người tiêu dùng chưa biết đến nhiều. Muốn quảng bá được thương hiệu đặc sản quê hương, ngoài đảm bảo về chất lượng sản phẩm cần phải tăng cường giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh thông tin để người tiêu dùng yên tâm đã được sử dụng đúng sản phẩm mình mong muốn - chị Thảo nhận xét. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Vinh cho thấy hiệu quả, giúp thay đổi giá trị kinh tế cho người trồng. Nhiều nông dân vươn lên làm giàu và thương hiệu cam Vinh ngày càng có tiếng trên thị trường. Từ hơn 1.600 ha cam Vinh theo quy hoạch ban đầu, đến nay đã phát triển thành 5.000 ha. Tuy nhiên, sản lượng 1 triệu quả cam Vinh được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc năm 2018 so với diện tích trồng là còn ít. Vì thế, những hộ dân trồng cam Vinh chưa được đăng ký vùng chỉ dẫn địa lý sẽ chịu bất lợi khi không có thương hiệu. Điều này khiến giá bán không cao, thất thu về lợi nhuận và bị thương lái ép giá. Quy mô và diện tích tăng, việc mở rộng chỉ dẫn địa lý cam Vinh là điều cần thiết để các hộ dân ở nhiều vùng trồng trên địa bàn Nghệ An được hưởng lợi, mang lại giá trị kinh tế ổn định, cung ứng sản lượng nhiều hơn cho nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thế, cần phải khảo sát thật kỹ những vùng trồng cam Vinh có đủ điều kiện, chất lượng sản phẩm tốt. Hiện nhiều vùng trồng cam Vinh ở tỉnh Nghệ An đều có những điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.. phù hợp để phát triển. Đặc biệt, những nơi như huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… cho chất lượng cam quả tốt, đáp ứng nhiều tiêu chí về sản phẩm. Để mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh, Nghệ An đã xây dựng phương án cùng các đơn vị liên quan thực hiện điều này. Bà Thái Thị Hồng Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, sắp tới, các địa phương có nhiều diện tích cam sẽ được điều tra, khảo sát để mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Vinh gồm: Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ. Quá trình khảo sát sẽ phân tích mẫu đất trồng cam theo quy định các chỉ tiêu lý, hóa học đặc trưng như: độ ẩm, thành phẩm cơ lý, PH, OC, N... Đối với quả cam thì tập trung vào chỉ tiêu phân tích: hình thái, cảm quan, chất lượng, hàm lượng đường, Vitamin C, A xít, Brix, nước. Việc mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh phải được khảo sát, đánh giá chặt chẽ về chỉ dẫn địa lý, giống, quy trình trồng… thì chất lượng mới có thể giữ vững và nâng cao danh tiếng sản phẩm này, từ đó, tạo đà cho thương hiệu vươn xa ra nhiều thị trường, phát triển bền vững.
Nguyễn Oanh