Mô hình chăn nuôi gà hướng tới mục tiêu chăn nuôi an toàn, áp dụng quy trình VietGAHP tại Hải Phòng đang thu được nhiều kết quả, mở ra hướng phát triển bền vững trong chăn nuôi gia cầm.
VietGAHP là quy trình thực hành chăn nuôi tốt. Các quy trình này khuyến khích áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế các rủi ro từ các mối nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội cho người lao động
Trang trại nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc (thôn Phi Liệt, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) có quy mô 22.000 con gà. Ông Phúc chia sẻ, trước đây gia đình ông cũng chăn nuôi nhưng theo kinh nghiệm, tự phát nên gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Gia đình áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học cho hiệu quả rất tốt. Tỷ lệ gà nhiễm bệnh giảm, chất lượng gà thương phẩm xuất chuồng tốt hơn.
Trang trại của gia đình ông Trần Hữu Đức (thôn Nhất Trí, xã Đặng Cương, huyện An Dương) là một mô hình chăn nuôi gà áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn VietGAHP hiệu quả. Hiện trang trại có quy mô 22.000 con gà và 10.000 con chim cút. Theo ông Đức, áp dụng quy trình này sẽ chủ động được quá trình sản xuất và có thể kiểm soát trong tất cả các khâu từ chọn giống, tiêm phòng, chăm sóc, sử dụng chế phẩm trong chăn nuôi...Gà nuôi sinh trưởng tốt, ít bệnh, tỷ lệ gà sống đạt cao, sau ba tháng đã có thể xuất bán. Kỹ thuật nuôi gà trên nền đệm lót hạn chế được nhiều loại dịch bệnh, chi phí đầu tư giảm rất nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống.
Tại Hải Phòng, ngành chăn nuôi gia cầm tạo việc làm và thu nhập cho 55.000 hộ dân, đóng góp 25% giá trị sản xuất chăn nuôi của toàn thành phố. Gia cầm nói chung và gà nói riêng được xác định là đối tượng nuôi chủ lực, luôn phát triển ổn định với tốc độ bình quân 2,56%/năm (năm 2017 là 7,85 triệu con và tới năm 2021 đạt 8,83 triệu con). Thống kê đến tháng 11/2021, sản lượng thịt gia cầm đạt hơn 48.000 tấn, trứng gia cầm hơn 304 triệu quả.
Giai đoạn 2017-2021, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai nhiều mô hình hướng đến mục tiêu chăn nuôi an toàn sinh học theo VietGAHP, tổ chức sản xuất theo các mô hình Hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu là các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị như: Công ty Cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ (xã Hồng Phong, huyện An Dương), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Quân (xã Quốc Tuấn, huyện An Dương), Hợp tác xã chăn nuôi Đại Phát (xã Tân Viên, huyện An Lão), Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Chiêu Viên (xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng), Hợp tác xã Nông Lâm Thủy hải sản (xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng), Hợp tác xã chăn nuôi Đồng Tiến (xã Đồng Thái, huyện An Dương), các nhóm hộ chăn nuôi ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên…
Các hộ chăn nuôi gà thuộc các chuỗi liên kết này cùng nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật, cùng tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng VietGAHP, cùng liên kết về vốn để nhập giống, vật tư giá rẻ, cùng nhau liên kết để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm… đầu ra của sản phẩm luôn ổn định và đạt hiệu quả kinh tế tăng cao, chăn nuôi phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, an toàn sinh học, VietGAHP, hướng hữu cơ đã được vận dụng và ứng dụng vào các mô hình, giúp thay đổi hành vi, kỹ năng sản xuất của người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ từ chăn nuôi truyền thống, theo kinh nghiệm, phân tán, mạnh ai lấy làm sang phát triển chăn nuôi hàng hóa áp dụng VietGAHP, có giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và bền vững. Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng VietGAHP đã nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và thay đổi dần phương thức nuôi tận dụng trước đây. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy phong trào chăn nuôi gà áp dụng VietGAHP tại địa phương làm mô hình và các vùng lân cận.
Hoàng Ngọc