Nông dân xã Vĩnh Bình Bắc (Kiên Giang) thu hoạch dưa lê trồng trên mặt đất ruộng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Theo ông Lê Đình Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc, hiện nay trên địa bàn huyện đảo đang trong giai đoạn “nóng” về mua bán đất. Nhưng vẫn có nhiều nông dân sinh sống với nghề làm rẫy, làm vườn miệt mài với việc mở rộng diện tích đất trồng màu để tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều diện tích trồng màu được mở rộng đã góp phần chủ động trong việc cung ứng lượng rau màu cho người dân trên đảo. Đến nay, huyện Phú Quốc có 99 ha diện tích trồng màu các loại, sản lượng cho thu về cả năm khoảng 6.000 tấn. Ông Lê Thanh Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cửa Dương cho biết, nghề trồng rau ở địa phương mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều gia đình ở xã Cửa Dương trồng các loại rau màu, bí xanh và khổ qua trung bình mỗi tháng thu hoạch có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/1.000 m2.
Thu hoạch dưa lê trồng trên mặt đất ruộng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Gia đình ông Lê Đình Toản, ngụ tổ 2, khu phố 8, thị trấn Dương Đông là một trong những hộ gia đình trồng rau màu nhiều năm tại đây. Với hơn 2.000 m2 đất nằm ngay trong nội ô thị trấn phủ màu xanh được gia đình ông Toản trồng với các loại rau muống, mồng tơi, rau đay, cải xanh, bí rợ, bí đau… Theo ông Toản, với diện tích rộng, ông trồng thường theo mùa vụ để thích hợp theo thời tiết. Cái được nhất ở đây, khi đến kỳ thu hoạch là có thương lái đến tận nhà thu mua, thu hoạch tới đâu bán hết đến đó; bán ra cũng có giá, nên cho gia đình ông thu nhập sau trừ chi phí mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ông Lê Đình Toản cho biết, những năm gần đây khi giá đất nội ô thị trấn đẩy lên cao, có nhiều người đến hỏi mua nhưng ông nhất định không bán. Bởi ở huyện đảo, không sống bằng nghề biển thì làm rẫy, làm vườn, nếu không có đất thì sau này sinh sống bằng nghề gì. Ông Phan Thành Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc cho biết, trước đây, ở huyện đảo này nguồn rau xanh phục vụ cho bà con hàng ngày luôn thiếu, phải mua từ đất liền ra tốn chi phí vận chuyển nên giá cũng cao. Vì vậy, nhiều hộ nông dân, chủ yếu ở thị trấn An Thới, Dương Đông, Cửa Dương… đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rau xanh để phục vụ bà con tại địa phương.
Nông dân xã Vĩnh Bình Bắc vận chuyển dưa lê đi tiêu thụ. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Thế nhưng, khi trồng gặp nhiều khó khăn do đất ở huyện đảo chỉ thích hợp với một số loại rau, củ quả, nhưng cực nhất vẫn là vấn đề nước tưới tiêu. Sau thời gian trồng, bà con nông dân dần học hỏi, rút kinh nghiệm và đến nay đã trồng được nhiều loại rau, củ quả góp phần tăng nguồn rau phục vụ cho bà con huyện đảo. Không chỉ nhiều nông dân trồng nhỏ lẻ trên địa bàn phục vụ bà con trên huyện đảo, những năm gần đây đã có nông dân đầu tư tiền tỷ trồng rau sạch phục vụ nguồn rau cho các nhà hàng, quán ăn. Điển hình có chị Nguyễn Thị Thủy ở ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh. Từ tháng 10/2018, với diện tích trên 5 ha, gia đình chị Thủy đã triển khai trồng thử nghiệm dưa lưới và các loại rau xanh, chủ yếu là cải và xà lách bằng hệ thống thủy canh trong nhà lưới. Với diện tích trồng thử nghiệm dưa lưới gần 500 m2, cho thu hoạch 4 tấn/đợt (vụ). Từ khi trồng thử nghiệm đến nay đã thu hoạch được 2 đợt, với giá bán ra 90.000 đồng/kg. Còn rau xanh trên diện tích 750 m2 cũng cho thu hoạch 1,5 tấn/đợt, với giá bán 60.000 đồng/kg. Ở ấp Gành Gió, xã Cửa Dương có hộ gia đình anh Tăng Dục Dương là một trong những người đầu tiên ở Phú Quốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh. Từ lúc khởi đầu vào năm 2014 với 250 m2 nhà lưới, trên diện tích đất vườn nhà, anh Dương đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng 1.000 m2 nhà lưới cùng hệ thống tưới tiêu, giá trồng rau theo công nghệ tiên tiến. Qua 5 năm thực hiện, đến nay mô hình trồng rau thủy canh của anh Dương đang trồng nhiều loại rau xanh, như cải ngọt, cải xanh, cải bẹ dúng, xà lách, rau muống, cà chua... cho thu hoạch mỗi ngày 40 - 50 kg rau sạch các loại. Mặc dù giá thành của rau sạch trồng bằng phương pháp thủy canh tương đối cao so với rau trồng bằng phương pháp truyền thống, bình quân 40.000 đồng/kg nhưng không đủ để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Anh Dương cho biết, tuy đầu tư trồng rau thủy canh thời gian thu hồi vốn lâu, nhưng do rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là đối với các dịch vụ phục vụ du lịch nên anh vẫn quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, tại huyện đảo Phú Quốc, từ năm 2009, Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm), có 6,5 ha trồng rau tại ấp Suối Cát, xã Cửa Dương. Đây là hệ thống nhà lưới cao nhất và công nghệ hiện đại nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khu nhà lưới có diện tích rộng 4.200 m2. Rau có thể trồng quanh năm trong tất cả các mùa nhờ có mái che và thiết vị tưới nhỏ giọt, đảm bảo độ ẩm tốt cho rau phát triển và tiết kiệm nguồn nước tưới. Các loại rau đều không sử dụng thuốc hóa học nên an toàn cho người sử dụng. . Những năm trước đây, tiểu thương ở huyện Phú Quốc phải nhập số lượng lớn rau xanh từ đất liền ra đảo để phục vụ bà con. Vì vậy, việc bà con nông dân chủ động mở rộng diện tích trồng rau, củ, quả, chẳng những góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ nông dân, còn cung ứng nguồn rau xanh tại chỗ, đáp ứng tiêu dùng cho người dân huyện đảo.
Lê Sen