Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị:

Long An sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, tiết kiệm 45 tỷ đồng/năm

Long An sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, tiết kiệm 45 tỷ đồng/năm
Phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An xoay quanh vấn đề này.
Việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và một số Trung tâm Hành chính công cấp huyện giúp hạn chế đi lại, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, một phần trong kế hoạch sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của tỉnh Long An. Ảnh: Báo Long An Online
Việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và một số Trung tâm Hành chính công cấp huyện giúp hạn chế đi lại, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, một phần trong kế hoạch sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của tỉnh Long An. Ảnh: Báo Long An Online
 
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết đôi nét việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại tỉnh Long An?

Đồng chí Phạm Văn Rạnh: Nhằm tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tỉnh ủy đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 29/12/2017 về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thể hiện trong Đề án là phải thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, hiệu quả, trên cơ sở bám sát chủ trương, quy định, hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, ngành, địa phương trong tỉnh; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp.

Những việc đã rõ, cần thực hiện sẽ tiến hành ngay, những việc mới, chưa được quy định nhưng phù hợp sẽ mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, không cầu toàn, nóng vội.

Qua đó, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản biên chế và cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức.
 
Tỉnh thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội.
 
Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu phải tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tránh sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện tinh giản biên chế nhằm giảm chi thường xuyên từ ngân sách, tạo cơ sở để tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Cụ thể, đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế cán bộ, công chức trong toàn tỉnh so với năm 2015. Đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu chức danh và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, khung năng lực theo vị trí việc làm. Đến cuối năm 2020 còn lại từ 5 -7 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đến cuối năm 2018 còn từ 3- 4 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố.
 
Đề án xác định nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị gắn với vị trí việc làm; bố trí tinh gọn đầu mối, biên chế, số lượng cấp trưởng, cấp phó đảm bảo hợp lý. Phòng (và tương đương) thuộc các cơ quan cấp tỉnh phải có tối thiểu 5 biên chế; đối với các phòng không đủ 5 biên chế hoặc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thì xem xét sáp nhập. Phòng có số lượng dưới 7 biên chế chỉ bố trí 1 phó trưởng phòng; phòng từ 7 biên chế trở lên thì được bố trí 2 phó trưởng phòng.
 
Về lộ trình thực hiện, phần lớn nhiệm vụ của Đề án sẽ tập trung thực hiện hoàn thành trong tháng 4/2018 như: Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể; nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Việc tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và 2 Đảng ủy khối sẽ được thực hiện trong quý II/2018. Việc thí điểm Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phục vụ chung sẽ được thực hiện trong quý I/2019. Việc hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ được thực hiện trong tháng 1/2019.

Ngoài ra, tỉnh thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện; thí điểm nhất thể hóa Trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ; thí điểm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra cấp huyện; thí điểm Văn phòng phục vụ chung cấp ủy và HĐND - UBND cấp huyện.

Mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện sẽ chủ động thực hiện từ năm 2018-2020 khi có đủ điều kiện… Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện sẽ thực hiện khi có sự thống nhất của Trung ương theo lộ trình.
 
Thực hiện Đề án, toàn tỉnh dự kiến giảm 3 đầu mối cơ quan cấp sở, ngành tỉnh; 69 phòng, ban thuộc sở, ban, ngành tỉnh; 52 chức danh trưởng phòng; 59 chức danh phó trưởng phòng; 422 biên chế công chức (đạt 10,34%); 2.789 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; 5.045 người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố; 1.286 hội đặc thù trong toàn tỉnh.

Dự kiến giảm chi ngân sách địa phương cho hoạt động thường xuyên của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh khoảng 45 tỷ đồng/năm.
 
Phóng viên: Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Long An có những khó khăn gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Phạm Văn Rạnh: Tỉnh Long An xây dựng Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trong điều kiện các ban, bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung các quy định, điều lệ… liên quan đến tổ chức bộ máy.

Việc sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị trực thuộc sở, ngành đang gặp khó khăn do phòng, đơn vị dự kiến sau khi sáp nhập có qui mô lớn, nhiều mảng công việc, nhiều chức năng khác nhau nên gặp không ít khó khăn trong phân công cán bộ phụ trách và công tác phối hợp. Thực hiện giảm số lượng cán bộ lãnh đạo cấp phòng, chi cục hiện nay đang gặp khó khăn do số lượng dôi dư nhiều, khó bố trí, trong khi họ vẫn đủ chuẩn, hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm, không vi phạm kỷ luật...
 
Chế độ bảo lưu phụ cấp chức vụ sau khi sắp xếp theo qui định hiện nay chưa thật sự tạo động lực, an tâm trong tư tưởng cán bộ bị điều chỉnh không còn giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức vụ lãnh đạo thấp hơn.

Việc nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ đối với các chức danh kiêm nhiệm, cán bộ dôi dư do sắp xếp cũng đang gặp nhiều khó khăn do vướng nhiều cơ chế, qui định của các bộ, ngành Trung ương. Ngoài ra, công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện Đề án ở một số cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị còn chậm, lúng túng, thiếu tính chủ động, sáng tạo.
        
Phóng viên: Để Long An triển khai thực hiện thuận lợi, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, theo đồng chí Trung ương cần hỗ trợ gì cho Long An?
 
Đồng chí Phạm Văn Rạnh: Trung ương cần kịp thời sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn có liên quan để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đặc biệt là về khung số lượng đầu mối các đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, huyện, khung bố trí số lượng lãnh đạo cấp phòng (tương đương); chính sách kiêm nhiệm, chính sách giải quyết đầu ra cho cán bộ dôi dư do sắp xếp, nhất là đối với cán bộ cơ sở… nhằm tạo thuận lợi cho Long An nói riêng, các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
 
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Trung ương cần có sự trao đổi, thống nhất với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ngành Trung ương sớm sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống và sửa đổi, bổ sung qui định, điều lệ của tổ chức, ngành mình cho phù hợp tinh thần chỉ đạo chung của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ chủ động cụ thể hóa việc sắp xếp, sáp nhập tinh gọn đầu mối và tinh giản biên chế theo Đề án trong điều kiện  cụ thể của tỉnh.
        
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
       Thanh Bình (Thực hiện)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm