Lời giải nào cho bài toán nhân lực, vật tư y tế trong ngành Y tế Gia Lai

Ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã và đang gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt trong đó là việc thiếu thuốc, vật tư y tế… khiến công tác khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở, bệnh viện đối mặt với nhiều thách thức.

Loi giai nao cho bai toan nhan luc, vat tu y te trong nganh Y te Gia Lai hinh anh 1Bệnh nhân đang được điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: TTXVN

Thiếu vật tư y tế và thuốc

Theo thống kê từ Sở Y tế, 2 năm qua, tổng giá trị trúng thầu thuốc tập trung của tỉnh Gia Lai đã được Sở Y tế phân bổ trong thỏa thuận khung của 23 cơ sở y tế công lập gần 647 tỷ đồng với 758 danh mục thuốc. Kết quả trúng thầu tập trung giai đoạn 2021-2022 cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện nay, 14/23 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ một số thuốc thuộc nhóm gây nghiện, hướng thần hoặc một số thuốc chuyên khoa đặc trị. Cá biệt, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro thiếu 46/173 danh mục và Bệnh viện Đa khoa tỉnh thiếu 27/384 danh mục.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Lý Minh Thái cho rằng: Nguyên nhân thiếu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh do một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa thanh toán công nợ cho các nhà thầu trúng thầu. Một số mặt hàng thuốc thuộc nhóm gây nghiện, hướng thần và một số thuốc chuyên khoa đặc trị vì lý do bất khả kháng, nhà thầu không nhập khẩu được thuốc và nguyên liệu làm thuốc hoặc số đăng ký chưa được gia hạn.

Bên cạnh việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã khiến nhiều cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn, có nơi rơi vào “khủng hoảng”. Tại Gia Lai, 27 đơn vị đề nghị được giao tự chủ, trong đó có 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 20 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đối với các đơn vị thực hiện tự chủ tài chính đã xuất hiện tình trạng thu không đủ chi, khiến đơn vị phải nợ lương, không có các nguồn quỹ dùng động viên khích lệ tinh thần cán bộ, nhân viên. Thiếu kinh phí nên không thể đầu tư mua sắm và đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân dân. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai hiện đang thiếu hụt trên 115 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền lương hơn 63 tỷ đồng; bảo hiểm y tế chưa thanh toán tiền phẫu thuật 52 tỷ đồng.

Gỡ khó trước mắt, lâu dài chờ…

Để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe toàn dân, ngành Y tế đã và đang tìm giải pháp tháo gỡ. Ngành phấn đấu không để vấn đề thiếu thuốc, vật tư và tiền ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Đối với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, theo ông Phạm Bá Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia La, để khắc phục tình trạng trên, Bệnh viện đã tìm các loại thuốc tương tự để thay thế, phần nào đảm bảo nhu cầu chữa bệnh của người dân; tổ chức mua sắm cục bộ; mượn và điều tiết tại các bệnh viện, trung tâm y tế khác… Bệnh viện cố gắng khắc phục sớm để đảm bảo thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Song song với đó, Sở Y tế đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ các đơn vị có đủ thuốc điều trị và vật tư y tế cần thiết phục vụ người bệnh. Sở Y tế đã chủ động điều phối thuốc, vật tư với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đơn vị y tế thiếu vật tư cục bộ như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ…

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch, hiện nay, vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế cần phải tháo gỡ ngay, nhất là tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì đây là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội cần rà soát, khẩn trương trả lời dứt điểm về việc nợ bảo hiểm Y tế, nếu có kiến nghị, đề xuất cần báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có kiến nghị đề xuất với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Bảo hiểm Xã hội tỉnh có thể triển khai phương án cấp ứng trước để các đơn vị giải quyết khó khăn trước mắt.

Đối với vấn đề về sắp xếp, tự chủ trong Ngành Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế xây dựng phương án tự chủ cụ thể, trong đó tập trung vào giai đoạn năm 2022 đến 2025.

Có thể thấy, việc tìm lời giải cho bài toàn thiếu nhân lực, vật tư y tế đối với ngành Y tế tỉnh Gia Lai đang thực sự gặp nhiều khó khăn. Trong khi chờ các ngành chức năng giải bài toán đó, người dân, nhất là người bệnh tại tỉnh Gia Lai vẫn phải trông chờ vào cái tâm của các y, bác sĩ.

Quang Thái

Tin liên quan

Gia Lai: Chủ động các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 10.019 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 9,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh nhất là huyện Đak Pơ (1.181 ca), thành phố Pleiku (1.131 ca), huyện Krông Pa (920 ca), huyện Chư Prông (850 ca)… Dịch bệnh xảy ra ở 214/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố.


Gia Lai đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Thông qua hoạt động phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai với các ban, ngành, đoàn thể nói chung, đặc biệt là ngành Y tế, việc triển khai các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo. Theo đó, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một nâng cao; tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngày càng tăng; quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được giải quyết đầy đủ, kịp thời.



Đề xuất