Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm ở tỉnh đạt hơn 520.000 ha với sản lượng trên 3,3 triệu tấn. Vụ lúa Đông Xuân năm 2020, có 37 hợp tác xã, trên 40 tổ hợp tác và 20 công ty doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh thực hiện liên kết bao tiêu sản xuất lúa hơn 23.000 ha, sản lượng hơn 162.000 tấn, chiếm hơn 11% tổng diện tích sản xuất. Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.
Diện tích thực hiện liên kết trung bình hàng năm đạt 134.900ha với sản lượng lúa tiêu thụ qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác đạt gần 721.700 tấn. Phương thức liên kết chủ yếu là đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tham gia liên kết vào đầu vụ, đồng thời có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quản lý sâu bệnh hại trong suốt vụ mùa, đến cuối vụ thu hoạch, công ty đến thu mua lúa theo giá thị trường hoặc cao hơn từ 100-200 đồng/kg.
Ngoài ra, còn có các phương thức liên kết khác như : đầu tư vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa; đầu tư giống, tạm ứng vốn và tiêu thụ lúa; không đầu tư, chỉ tiêu thụ lúa...
Điển hình về mô hình liên kết sản xuất lúa có huyện Tháp Mười, năm vừa qua huyện liên kết sản xuất là tiêu thụ lúa giữa các công ty, doanh nghiệp với Hợp tác xã, Tổ Hợp tác và nông dân hơn 10.000 ha. Các doanh nghiệp đã thực hiện dưới nhiều hình thức như: đầu tư giống, phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ; đầu tư giống và tiêu thụ; không đầu tư chỉ tiêu thụ; liên kết sản xuất giống….
Việc tham gia thực hiện các mô hình đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của người dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập. Vừa qua Công ty TNHH Phương Minh liên kết bà con nông dân ở huyện Thanh Bình , xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn được 120 ha, hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá tăng từ 150 - 200 đồng/kg so với ruộng lúa bên ngoài mô hình.
Tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ lúa với quy mô 300 ha. Hợp tác xã Tân Cường, huyện Tam Nông hơn 1.500 ha, qua liên kết của các công ty, doanh nghiệp với hợp tác xã mua lúa cao hơn ngoài mô hình 200 đồng/kg lúa.
Ở huyện Hồng Ngự có mô hình liên kết tiêu thụ lúa với hơn 7.000 ha là một trong những huyện có liên kết nhiều, hướng sản xuất theo chuỗi giá hàng hóa. Mô hình này giúp cho nông dân tăng sản lượng, tăng lợi nhuận bình quân từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ so với mô hình sản xuất truyền thống.
Ngoài việc liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa, nhiều bà con nông dân còn được các Công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa giống, hoặc lúa nếp. Bình quân liên kết sản xuất lúa giống được mua cao hơn với giá lúa thường từ 500-800 đồng/kg.Tại huyện Tháp Mười có anh Nguyễn Văn Hải ở xã Láng Biển, sản xuất hơn 2 ha lúa nếp, theo mô hình sản xuất giống lúa nếp, vụ Đông Xuân vừa qua bán được 6.700 đồng/kg, cao hơn năm 2019 là 1.200 đồng/kg.
Từ mô hình liên kết sản xuất lúa, nông dân đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi luá gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao. Đồng thời bà con còn áp dụng công nghệ cao và thực hiện cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, từ đó đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất 600 - 1.500 đồng/kg.
Nguyễn Văn Trí