Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm “Sầu riêng Đạ Huoai”

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm “Sầu riêng Đạ Huoai”
Ông Nguyễn Văn Châu, thôn Phú Lộc, xã Phước Lộc (Đạ Huoai) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN
Ông Nguyễn Văn Châu, thôn Phú Lộc, xã Phước Lộc (Đạ Huoai) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Hoai, huyện đã tiếp nhận hồ sơ và có văn bản hướng dẫn 2 hợp tác xã nông nghiệp chuẩn bị ra mắt, đi vào hoạt động. Đó là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phúc Thịnh ở xã Hà Lâm; Hợp tác xã nông nghiệp Phước Lộc ở xã Phước Lộc. Còn Hợp tác xã nông nghiệp Đoàn Kết, hiện đang trong giai đoạn mới có các sáng lập viên, đang vận động các hộ nông dân tiếp tục tham gia.

Đặc điểm chính của các hợp tác xã này là do các hộ nông dân tự nhận ra cần có vai trò của một tổ chức, thay mặt cho họ trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm bền vững, nên tự nguyện đứng ra sáng lập hợp tác xã của mình.

Ông Dương Văn Nha, 58 tuổi là sáng lập viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phúc Thịnh ở tổ 4, xã Hà Lâm cho biết: hiện gia đình ông đã canh tác 5ha sầu riêng; trong đó có 3 ha trồng từ năm 2002 đang cho thu hoạch mỗi vụ trên 20 tấn quả. Ngoài tiêu thụ sản phẩm của nhà trồng được, gia đình ông còn thu mua của bà con trong khu vực, xuất cho các bạn hàng trong nước và nước ngoài.

Vấn đề mà ông nhận thấy là hiện sản phẩm sầu riêng của địa phương chủ yếu vẫn bán cho các tư thương, tiêu thụ ra thị trường Trung Quốc. Thị trường này khá dễ dãi, không đòi hỏi các tiêu chuẩn ngặt nghèo về nguồn gốc hàng hoá, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên đây cũng là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, như các loại sản phẩm dưa hấu, khoai lang, cao su, tiêu sọ…mà các hộ nông dân cả nước đã nhiều lần điêu đứng vì thị trường tiêu thụ không ổn định.

Ông Dương Văn Nha cho biết thêm, hiện có nhiều bạn hàng từ các siêu thị trong nước, bạn hàng từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm lâu dài. Tuy nhiên, các bạn hàng này đòi hỏi khá cao về các tiêu chuẩn như có nhãn mác truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…Để làm được điều này, cần có một tổ chức có tư cách pháp nhân, quy tụ được các thành viên là các hộ trực tiếp sản xuất ra sản phẩm tham gia, bởi vậy ông đã vận động bà con thành lập một hợp tác xã của mình.
Một vựa thu mua sầu riêng ở Đạ Huoai khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN
Một vựa thu mua sầu riêng ở Đạ Huoai khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ.
Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Khi được biết tỉnh Lâm Đồng có mở lớp tập huấn về mô hình hợp tác xã kiểu mới, ông Nha đã đăng ký tham dự. Tuy chỉ lên lớp trong 2 ngày, ông đã vỡ vạc ra rất nhiều và nhận ra đây là mô hình cần thiết cho bà con nông dân xã mình.

Qua các buổi trò chuyện với đồng đội của mình trong hội Cựu chiến binh, với bà con trong thôn xóm, nhiều người đã tự nguyện đăng ký cùng ông Nha thành lập Hợp tác xã Phúc Thịnh. Hiện tại, hợp tác xã này đã có 10 thành viên, còn nhiều bà con khác đăng ký tham gia. Nhưng những người sáng lập đã thống nhất để mô hình này đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, mới tiếp nhận thêm các thành viên mới.

Hiện cá nhân ông Nha đã bỏ tiền ra xây dựng 2 kho lạnh rộng 400 m2, sắp tới tăng lên 1.200m2 để bảo quản nông sản cho hợp tác xã. Sau khi hợp tác xã đi vào hoạt động ổn định, mới huy động vốn đóng góp từ các thành viên. Các thành viên đã được tập huấn sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm làm ra sẽ được đăng ký và dán tem truy xuất các thông tin cần thiết với khách hàng…

Ông Trịnh Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết, hiện toàn huyện trồng khoảng 2.500 ha sầu riêng, với trên 1.700 ha đã cho thu hoạch, riêng năm 2018 đã thu hoạch khoảng 19.000 tấn, đem về cho các hộ nông dân trên 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, sản phẩm sầu riêng của địa phương hiện mới có nhãn hiệu chung cho toàn vùng, chứ chưa có tổ chức nào đứng ra xây dựng một thương hiệu cụ thể. Bởi vậy nên chính quyền địa phương đang tiếp tục thực hiện đề án thành lập các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Ông Thủy cho biết thêm, hiện nay nhiều bạn hàng lớn đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm sầu riêng Đạ Huoai, cũng như các mặt hàng nông sản khác, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, có các tổ chức đủ tư cách pháp nhân đứng ra ký hợp đồng cung cấp sản phẩm. Thực hiện đề án này, huyện Đạ Huoai đang tăng cường vận động bà con nông dân xây dựng các hợp tác xã kiểu mới theo mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Chính quyền sẽ hỗ trợ mỗi hợp tác xã 100 triệu đồng khi được thành lập, ra mắt và đi vào hoạt động.

Hiện tại, huyện Đạ Huoai có 6 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 108 xã viên tham gia. Ngoài ra còn 16 tổ hợp tác được thành lập có chứng thực của chính quyền địa phương. Các tổ chức này hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản gồm: ca cao, trái cây, sầu riêng, sản xuất- chế biến - tiêu thụ hạt điều, trồng dâu nuôi tằm… với tổng số vốn kinh doanh trên 3,2 tỷ đồng.

Chính quyền địa phương hiện đang tăng cường các hình thức tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và chế biến sản phẩm; khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn và xây dựng các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hoá nông sản do địa phương mình sản xuất ra.
 
Chu Quốc Hùng 

Có thể bạn quan tâm