Mở đầu đêm thi thứ hai là chương trình nghệ thuật đầy sôi động với ba ca khúc trẻ trung của các nghệ sỹ đến từ nhà hát Trưng Vương và phần trình diễn Flashmob sáng tạo, vui nhộn của 70 thành viên đội Flashmob trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Tiếp đó, là hàng loạt tiết mục nghệ thuật đặc sắc đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc. Mở đầu là ca khúc “Mái đình làng biển” được thể hiện bởi ca sỹ Ngọc Anh và 40 vũ công, dưới ánh sáng lung linh của hơn 100 đèn bông sen đã khắc họa một Việt Nam thân thương, giàu truyền thống. Đến ca khúc “Xin chào xin chào” do ca sỹ Quốc Thiên và vũ đoàn Hoàng Thông thể hiện lại toát lên sự trẻ trung cởi mở của một Việt Nam mới. Nối tiếp chương trình, ca sỹ Đoan Trang đã đưa khán giả du ngoạn một nước Pháp tràn ngập tình yêu và phiêu lãng, qua liên khúc “La vie en rose, Bang Bang, Paroles”. Khép lại chương trình nghệ thuật, khán giả được đến một nước Mỹ hiện đại, sôi động, qua những nhạc phẩm nổi tiếng “Take me home, Country road, Wake me up”… với sự thể hiện của ca sỹ Phương Vy.
Màn trình diễn pháo hoa của đội Mỹ. Ảnh: Trần Lê Lâm- TTXVN |
Mở màn đêm thi pháo hoa, đội Féerie đã đưa khán giả lên chuyến tàu tình bạn để đến nước Pháp và vòng quanh thế giới. Chuyến tàu đó là sự kết hợp những giai điệu đẹp của âm nhạc với pháo hoa rực rỡ và đã mang tới cho khán giả những cảm xúc tuyệt vời về tình bạn, tình bằng hữu. Thông qua những màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời Đà Nẵng, đội Féerie muốn thể hiện sự kết nối giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt Nam.
Ông Yvonnick Therry Anne Dugast, Đội trưởng đội pháo hoa Pháp chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên đội Feérie đến Việt Nam cũng như Đà Nẵng để tham gia vào Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Đà Nẵng là một thành phố sống động, nhiều màu sắc và mang lại cho chúng tôi cảm giác muốn được hòa mình vào cuộc sống nơi đây. Chúng tôi muốn chia sẻ cảm xúc cũng như tái hiện lại những góc nhìn của mình thông qua các màn trình diễn pháo hoa. Vì thế, đội đã quyết định chọn điểm nhấn là âm nhạc, bởi âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng vì nó là linh hồn của màn biểu diễn của đội Pháp. Những giai điệu âm nhạc khác nhau đã được chúng tôi sử dụng linh hoạt, để phù hợp với sắc màu và hình khối của những bông pháo. Tất cả đã tạo nên một màn trình diễn ma thuật, huyền ảo".
Đối thủ của đội Feérie là đội Atlas PyroVision đến từ Hoa Kỳ. Đây là cái tên được cả thế giới ngưỡng mộ khi sở hữu những kỹ thuật đỉnh cao trong trình diễn pháo hoa, với hàng loạt giải thưởng lớn ở các cuộc thi pháo hoa tại Virginia Beach, (Pháp); Thượng Hải (Trung Quốc); Manila (Philippines); Pomplona (Tây Ban Nha); Montreal (Canada).
Không phụ sự chờ đợi của khán giả, đội Atlas PyroVision đã sử dụng 600 quả pháo ở tầm thấp và tầm cao, trong đó có những loạt pháo khói, pháo mặt nước, pháo thác nước, pháo sao chổi, với công nghệ mới lạ kết hợp với những bản nhạc bất hủ từ 40, 50 năm trước cho tới những nhạc phẩm hiện đại được nhiều người yêu thích ngày nay để gắn quá khứ và hiện tại. Đội Atlas PyroVision đã vẽ lên bầu trời Đà Nẵng những cây cầu mở lối cho những ước mơ, khát vọng tốt đẹp của mọi dân tộc có thể tìm đến với nhau và tạo nên sức mạnh gắn kết. Đây cũng chính là thông điệp đầy nhân văn mà đội Hoa Kỳ muốn đem đến Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018.
Đội trưởng Stephen Thomas Pelkey chia sẻ: "Chúng tôi rất vinh dự khi được trở thành một phần của sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, đây là trải nghiệm thú vị và là cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa. Vì thế, chúng tôi đã chọn âm nhạc kết hợp các màn sử dụng pháo màu vàng gold, pháo thác đổ, những bông pháo quét ngang qua bầu trời, những bông pháo đa sắc màu để đem đến cho người dân và du khách Đà Nẵng những cảm xúc tuyệt vời nhất".
Khép lại đêm thi “lung linh trên sông Hàn”, khán giả đang rất háo hức chờ đón màn thi đấu của đội Ý và Hồng Kông (Trung Quốc) trong đêm thi 2/6./.
Đinh Văn Nhiều