Giáp ranh với tỉnh Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh, cộng với sinh thái đặc thù từ hồ Dầu Tiếng - hồ thủy lợi lớn nhất cả nước, nhiều năm gần đây, huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) bùng nổ những cơn sốt đất rầm rộ, biến nhiều khu đất trồng mỳ (sắn), cao su, thành những dự án khu dân cư, du lịch sinh thái… Trong cơn sốt đó, một lão nông có trong tay tới hàng trăm héc ta đất vẫn kiên quyết không bán một mét vuông nào, cho dù đang phải vay hàng tỷ đồng từ ngân hàng. Ông giữ đất để ngày ngày cần mẫn trồng cây gây rừng, phủ xanh diện tích đất mình có bằng những cánh rừng gỗ quý để lại cho con cháu đời sau. Đó chính là “lão nông trồng rừng” Võ Văn Ten ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Miệt mài trồng rừng
Nhiều tỉnh, thành phía Nam, chuyện nông dân sở hữu hàng chục, thậm chí hàng trăm héc ta đất không phải là ít, nhưng sở hữu tới hơn 100 ha đất mà chủ yếu để trồng rừng thì chắc chỉ có ông Võ Văn Ten.
Ở tuổi 75, ông Ten nhanh nhẹn, quắc thước, ngày ngày vẫn luôn chân, luôn tay với công việc của một nhà nông: lúc chạy xe máy thăm từng cánh rừng keo, tràm, sưa, xoan…; khi xuống đồng chăm sóc vườn mãng cầu (na), kiểm tra ruộng mỳ; có ngày lại xoay qua sửa chữa máy cày, máy bừa dù ông chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo cơ khí nào…
Việc nào ông Ten cũng thành thạo bằng cả sự say mê học hỏi và kinh nghiệm tích lũy của một lão nông tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy”. Chính vì vậy, từ cán bộ khuyến nông, kỹ sư lâm nghiệp, đến các sinh viên ngành nông, lâm từ nhiều trường Cao đẳng, Đại học trong và ngoài tỉnh thường xuyên lui tới với ông Ten để chia sẻ, học hỏi và khám phá những kinh nghiệm mà lão nông này tích lũy trong hàng chục năm gắn bó với cây và đất nơi đây.
“Năm 1980, tôi đưa gia đình từ xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành về xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu để lập nghiệp. Ban đầu, gia đình chỉ mua được 1,2 ha đất. Lúc đó, gia đình còn khó khăn, vất vả lắm, thậm chí không đủ ăn. Để có năng suất cao, tôi mày mò tìm hiểu thêm kỹ thuật, chọn lựa giống tốt, dày công xới xáo, chăm chỉ luân canh, xen canh, khi trồng mỳ, lúc trồng lạc... Ngoài ra, rảnh lúc nào là vợ chồng tôi lại mải mướt đi làm thuê. Tiền làm ra, một phần lo cho gia đình, phần còn lại tích cóp để dành mua đất”, ông Ten kể lại.
Năm 1984, ông Ten tích luỹ mua thêm 3 ha đất rẫy và chiếc máy cày đầu tiên. Ðến năm 1990, sau 10 năm lập nghiệp ông đã có 14 ha đất. Ðến năm 2000, ông Ten đã tích luỹ được 34 ha đất và hiện nay tổng diện tích đất giá đình ông có lên tới 165 ha, trồng mì, mía, mãng cầu, cao su và trồng rừng…
Sự nghiệp trồng rừng của ông Ten bắt đầu từ cách đây 20 năm. Lúc đó, ông đã hoạch định: một nửa diện tích đất có được dành để trồng các cây như mỳ, mía, cao su… để có nguồn thu trang trải cuộc sống, còn một nửa diện tích ông trồng rừng, trong đó có những rừng cây gỗ quý như gõ, giáng hương... Để bù lại việc trồng rừng không cho thu nhập, ông Ten trồng xen tre trúc, đầu mùa lấy măng, cuối mùa thì bán cây trưởng thành. Cũng dưới tán rừng, các loại cây dược thảo quý được ông cần mẫn đưa về chăm sóc, bảo tồn… hàng chục năm qua, tạo nên những thảm thuốc quý.
Cũng từ lúc bắt tay vào trồng rừng, ông Ten càng thân thiết hơn với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Dương Minh Châu khi thường xuyên là “con nợ” của ngân hàng để có vốn đầu tư trồng rừng.
“Ngày đó, ai cũng nói tôi gàn dở. Đất đai có được người ta đổ xô trồng cao su - cây trồng được coi là “vàng trắng” của Tây Ninh lúc bấy giờ hoặc trồng mỳ, trồng mía cũng thoải mái tiền thu khi đến vụ, nhưng tôi lại trồng rừng. Mà lúc đó giống cây trồng rừng như sưa, lim xanh, giáng hương vừa đắt, vừa khó mua. Không đủ tiền tôi lại tìm đến Agribank vay vốn để mua cây giống… Tôi chỉ nghĩ, nếu cứ trồng miết những cây trồng ngắn ngày, nếu khai thác miết đất đai này sẽ ra sao. Phải có rừng, phải có khoảng xanh để cân bằng hệ sinh thái…”, ông Ten chia sẻ.
Từ ngày hồ Dầu Tiếng - hồ thủy lợi lớn nhất cả nước được hoàn thành vào năm 1985 điều tiết nước tưới cho hàng trăm nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An, ông Ten càng quyết tâm với mục tiêu trồng rừng, giữ gìn hệ sinh thái cho vùng đất biên giới nghèo quê ông.
Lan tỏa tình yêu rừng
Hai mươi năm miệt mài, đến nay diện tích rừng của ông Ten đã lên tới hơn 70 ha với những gốc sưa, xoan đào, gõ, giáng hương, lim xanh… to bằng cả người ôm, nhưng ông Ten vẫn không màng chuyện bán gỗ.
“Tôi trồng rừng không vì lợi ích kinh tế nên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện chặt cây bán gỗ. Trồng rừng, giữ lại cây rừng để cho con cháu sau này biết về các loại cây gỗ quý hiếm, biết về các loại măng, nấm, các cây thuốc quý, các hệ sinh thái dưới tán rừng cũng là cách để dạy cho tụi nhỏ tình yêu với thiên nhiên, cây cối. Đó cũng chính là của để dành tôi để lại cho con cháu nhiều đời sau…”, ông Ten cho biết.
“Tụi nhỏ” của ông Ten là 6 người con ruột, cùng dâu, rể và các cháu nội ngoại nay đã lên đến hàng chục người cùng tiếp nối sự nghiệp “đất và rừng” của ông Ten. Ở tuổi 75 nhưng ông Ten vẫn là “đầu tàu” kinh tế, hoạch định chiến lược của cả gia đình. Việc trồng cây gì, nuôi con gì, chăm bón cây cối, vườn rẫy thế nào vẫn được ông sắp xếp, lên kế hoạch hàng ngày và giao việc cho từng người trong gia đình.
Bản thân ông cũng thường xuyên vác dao quắm, chạy xe thăm từng khu đất, mảnh rừng hoặc tự tay lắp hệ thống tưới tiêu tự động cho từng thửa rẫy. Những lúc rảnh rỗi, ông lại xem ti vi, đọc sách, báo để tìm hiểu, cập nhật những kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp…
“Ba em không chịu nghỉ ngơi đâu. Chính tấm gương yêu lao động và tình yêu với đất đai, cây cối của ba mẹ đã đưa anh em chúng em quần tụ về đây, cùng làm nông nghiệp và trồng rừng với ba”, cô con gái út của ông Ten cho biết.
Con gái út của ông Ten năm nay đã tuổi 30, từng tốt nghiệp Đại học Dược và lập nghiệp với hệ thống nhà thuốc tại Tp. Hồ Chí Minh, nhưng từ năm 2018, cô quay về quê hương mở tiệm tân dược, siêu thị tại nhà, đồng thời tham gia làm vườn, trồng rừng cùng ba mẹ và các anh chị em trong gia đình.
Cả 6 người con của ông Ten đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, nhưng đều quay về tiếp nối tình yêu với đất đai và thiên nhiên trong lành của vùng đất quê hương mà ông Ten đã truyền lại cho các con. Điều đặc biệt là trong gia đình đông con, đa thế hệ đó, đến bây giờ tất cả vẫn chung sức cùng sản xuất, cùng làm việc dưới sự “tổng chỉ huy” của ông già tuổi 75. Sở hữu cơ nghiệp lớn từ cha mẹ, nhưng các con, cháu trong gia đình ông Ten vẫn giản dị và chất phác với những công việc của người làm nông thực sự.
“Hiện tổng lợi nhuận từ nông sản hàng năm của gia đình ông Ten từ 2,5-5 tỷ đồng/năm. Nếu so ra với giá trị quỹ đất mà gia đình ông có thì số tiền này không lớn, thậm chí có thể nói là ông đầu tư kém hiệu quả. Nhưng giá trị của hơn 70 ha rừng quanh khu vực hồ Dầu Tiếng mà ông Ten gây dựng được với hệ sinh thái hài hoà với thiên nhiên mới là tài sản vô giá không của riêng gia đình ông Ten”, ông Đinh Văn Điểm, Phó giám đốc Agribank huyện Dương Minh Châu cho biết.
Cùng với đó, ở địa phương, gia đình ông Ten cũng là nhà hảo tâm luôn đồng lòng với công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Từ nhiều năm qua, những đóng góp của gia đình ông cho các hoạt động như xây tặng nhà “Mái ấm Nông dân”; nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn ở địa phương… đã góp phần thay đổi bộ mặt quê hương. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ vốn, giống cây trồng cho hàng chục hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Lúc khó khăn nhất tôi được Agribank cho vay vốn. Từ mấy triệu đồng thuở lập nghiệp để mua giống mỳ, giống mía những năm đầu đầy khó khăn đó, tôi hiểu giá trị của đồng vốn được hỗ trợ đúng lúc. Chính vì vậy, tôi luôn muốn giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Cũng giống như trồng rừng, tôi làm chỉ với lý do đơn giản là để con cháu mình và những người sau sẽ làm theo mình…”, lão nông tỷ phú Võ Văn Ten chia sẻ.
Thanh Hương