Học viên là người DTTS đang được đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Ảnh: baodantoc.vn |
Thực hiện hiệu quả các chính sách lao động, việc làm
Giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 8/2019, toàn tỉnh Lào Cai đã đào tạo nghề cho hơn 56.600 lao động, trong đó có gần 33.400 lao động dân tộc thiểu số (chiếm 59%), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 43,1% năm 2015 lên 51,68% năm 2019. Cũng trong giai đoạn này, Lào Cai đã tạo việc làm cho 51.260 lao động, trong đó 30.000 lao động là người dân tộc thiểu số. Lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 90%, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm gần 70%.
Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động) được coi là giải pháp đáp ứng nhu cầu việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt đối với lao động ở các huyện đặc biệt khó khăn, lao động là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 đến nay, Lào Cai có 300 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trong đó có 110 lao động là người dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đạt từ 10-30 triệu đồng/người/tháng tùy từng thị trường.
Đặc biệt, tại Lào Cai, công tác quản lý lao động qua biên giới đã góp phần tạo việc làm cho lao động của các địa phương, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, từ năm 2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành tổ chức 5 cuộc hội đàm và ký biên bản hội đàm với chính quyền huyện Hà Khẩu và Ban Quản lý Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Hà Khẩu (Trung Quốc) về quản lý lao động qua biên giới, trong đó có nội dung đưa lao động sang làm việc tại doanh nghiệp Trung Quốc. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã tuyển chọn và đưa 947 lao động địa phương sang làm việc tại Công ty Hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Huệ Hồng, Vân Nam, Trung Quốc, trong đó 820 lao động là người dân tộc thiểu số (chiếm 86,6%) với tiền lương bình quân đạt từ 7 đến 10,5 triệu đồng/người/tháng và được Công ty hỗ trợ toàn bộ tiền ăn, chỗ ở...
Chị Hoàng Ngọc Linh, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, tốt nghiệp lớp sơ cấp nghề nông - lâm tại trường Cao đẳng Lào Cai. Trong thời gian tham gia khóa học, chị được hỗ trợ học phí là 300.000 đồng/khóa, 200.000 đồng chi phí đi lại và hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày. Lúc mới tốt nghiệp, mong ước của chị Linh là tìm được một công việc phù hợp tại doanh nghiệp nào đó ở địa phương để trau dồi thêm kinh nghiệm và hỗ trợ công việc sau này. Do đó, chị tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai để nộp hồ sơ tuyển dụng và được giới thiệu vào làm việc tại Công ty Hữu hạn Khoa học kỹ thuật Huệ Hồng, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chị Linh phấn khởi cho biết, không chỉ được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn ở sinh hoạt với trang thiết bị tiện nghi, hiện đại, chị cùng các công nhân khác được hưởng mức lương bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng, mọi quyền lợi về an sinh, xã hội đều được đảm bảo theo đúng hợp đồng lao động đã ký kết.
Bên cạnh đó, các chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia việc làm được triển khai đồng bộ ở các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Từ năm 2015 đến tháng 8/2019 có 6.166 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số vốn được vay 117,5 tỉ đồng, trong đó có 1.890 lao động là người dân tộc thiểu số, chiếm 30%. Việc tiếp cận vốn vay thuận lợi đã giúp người lao động có việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp và tăng thu nhập. Thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như chị Tẩn Thị Su (dân tộc Mông), Giám đốc Công ty SaPa O’Châu; chị Nông Văn Lương (dân tộc Giáy), chủ chuỗi nhà hàng, trang trại cá nước lạnh ở Sa Pa; chị Hà Thị Vân (dân tộc Tày) khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà...
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực
Hệ thống 10 Trung tâm Dịch vụ việc làm (tại 9 huyện, thành phố) phát triển, kết nối thông tin thị trường lao động rộng khắp không chỉ góp phần tạo việc làm cho người lao động, dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số làm nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.
Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào Cai giảm từ 62,61% năm 2015 xuống còn 59,38% năm 2019; tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 17,77% năm 2015 lên 18,12% năm 2019; tỷ trọng du lịch - dịch vụ tăng từ 19,62% năm 2015 lên 22,5% năm 2019. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh có 28.770 lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ, trong đó 50% lao động là người dân tộc thiểu số, thu nhập của người lao động tăng nhanh. Tiền lương bình quân của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước năm 2018 đạt 9,2 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2015; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 6,3 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với năm 2015; doanh nghiệp dân doanh là 7,5 triệu đồng, tăng 2,3 triệu đồng so với năm 2015. Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số làm việc trong các doanh nghiệp có mức thu nhập khá đã nâng cao đời sống gia đình, đầu tư cho con cái học tập tốt hơn và tham gia xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Những lớp học thực địa giúp người dân dễ hiểu, dễ áp dụng thực tế. Ảnh: baodansinh.vn |
Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65%; số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 493.320 người, trong đó 66% lao động là người dân tộc thiểu số. Đồng thời giai đoạn này, Lào Cai đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ với 20.120 lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Để làm được điều đó, theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, tỉnh sẽ tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ các dự án phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.
Lào Cai sẽ tăng cường đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục đầu tư chương trình giảm nghèo bền vững, trợ giúp thiết thực cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân cư còn nhiều khó khăn; đầu tư phát triển các thành phần kinh tế tư nhân, tăng cường phát triển các mô hình hợp tác xã; xây dựng Chương trình nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh tăng cường liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ưu tiên đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hương Thu