Là một trong 6 ngành hàng chủ lực trong Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh, tuy nhiên, thời điểm này, diện tích cây chuối hàng hóa của Lào Cai đã giảm tới gần 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ chuối, các cây trồng chủ lực khác của tỉnh Lào Cai như cây dứa, cây ăn quả ôn đới cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2024-2025, Lào Cai xác định tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ về đất, tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa cây trồng chủ lực phát triển tương xứng với tiềm năng, giá trị, giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định.
Bấp bênh cây chuối
Từ năm 2021 đến nay, diện tích chuối trên địa bàn Lào Cai liên tục giảm từ 3.332 ha xuống còn 2.355 ha do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu được ngành nông nghiệp xác định do bệnh vàng lá Panama vẫn diễn biến phức tạp tại các vùng trồng chuối lâu năm do chưa có thuốc đặc trị. Hơn thế nữa, việc thị trường thiếu ổn định cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người dân ít mặn mà với loại cây trồng này.
Lào Cai có duy nhất quả chuối nằm trong danh mục sản phẩm quả tươi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xuất khẩu quả chuối tươi vào thị trường này giá cả bếp bênh, không ổn định và phải cạnh tranh với sản phẩm chuối của Lào, Campuchia, Philippines; thậm chí có thời điểm giá chuối xuất khẩu của Lào Cai giảm còn 1.500 - 2.000 đồng/kg khiến người dân không yên tâm sản xuất.
Mường Khương từng là địa phương dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng chuối. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, diện tích chuối của huyện vùng biên này liên tục giảm mạnh. Gia đình Chị Lù Thị Vương, thôn Nậm Chảy, huyện Mường Khương có hơn 1 ha chuối. Thời tiết năm nay đẹp nên chuối quả to đẹp đều. Cùng khoảng thời gian này của năm 2023, giá chuối xuất khẩu đạt gần 8.000 đồng/kg thì năm nay gia đình chị phải bán với giá 3.200 đồng/kg. Hiện, toàn xã Nậm Chảy có trên 200 ha chuối đang cho thu hoạch với giá bán dao động từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Dù giá giảm thấp nhưng nông dân Nậm Chảy vẫn may mắn hơn nhiều hộ dân thu hoạch chuối thời điểm trước đây vào tháng 1/2024 khi giá chuối được thu mua gần như chạm đáy từ 1.500 - 1.700 đồng/kg, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước, do mặt hàng này không xuất khẩu được và vắng thương lái thu mua. Thực tế tại các xã có diện tích trồng chuối lớn của huyện Mường Khương như Bản Lầu, Lùng Vai, Bản Sen, Nậm Chảy,…, nhiều hộ trồng chuối đã chuyển diện tích trồng chuối trước đây sang trồng chè, quế vì các loại cây trồng này có thị trường ổn định hơn.
Cây chuối là cây trồng rất có giá trị, thời gian thu hoạch ngắn, một lần trồng có thể thu hoạch trong 5 năm nên hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu nhập bình quân đạt 130 - 150 triệu đồng/ha/năm. Hơn nữa, khí hậu thổ nhưỡng, tập quán canh tác của nông dân vùng cao Lào Cai rất phù hợp cho cây trồng này. Thực tế đã chứng minh sản phẩm không chỉ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nội tiêu và xuất khẩu mà năng suất trên diện tích cho sản phẩm đạt cao với 250,3 tạ/ha, bằng 143% so với năng suất chuối toàn quốc năm 2023.
Tuy vậy, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, địa phương chưa có các nhà đầu tư chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến sâu sau thu hoạch để gia tăng giá trị; chỉ thực hiện bán sản phẩm thô cho thị trường tiêu thụ. Các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, các hình thức hợp tác (công ty, hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hiệp hội, …) còn thiếu và yếu đã chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả của cây trồng này.
Thành lập Tổ thị trường tiêu thụ nông sản
Vừa qua, tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển vùng trồng chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai Nguyễn Quang Vĩnh nhấn mạnh, còn nhiều nội dung và công việc phải làm để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường ngành hàng chuối, dứa, đặc biệt là cây ăn quả ôn đới trên địa bàn.
Lào Cai đặt mục tiêu năm 2024, thực hiện trồng mới 700 ha chuối tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên và Mường Khương, nâng diện tích vùng sản xuất chuối hàng hóa đạt 2.285 ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích chuối toàn tỉnh đạt 3.500 ha. Giá trị ước đạt 340 tỷ đồng.
Đối với cây ăn quả ôn đới, địa phương tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch sinh thái. Riêng năm 2024, Lào Cai phấn đấu trồng mới 533 ha tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa, Bát Xát. Tổng giá trị ước đạt trên 300 tỷ đồng.
Lào Cai xác định tiếp tục thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, chế biến sâu các sản phẩm từ chuối, dứa, quả ôn đới; từng bước nâng tỷ lệ sản phẩm qua chế biến như sản phẩm chuối, mận, đào, lê sấy dẻo, sấy theo công nghệ chiên giòn, dứa đóng hộp hay các loại rượu được làm từ chuối, mận, đào, lê ... Ngoài việc thu hoạch sản phẩm quả chuối thì còn lại các phụ phẩm sau thu hoạch như thân, lá chuối, dứa chưa sử dụng có thể đưa vào chế biến sợi và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với công suất phù hợp với vùng nguyên liệu tại huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng...
Để đạt được các mục tiêu đó, giai đoạn 2024-2025, Lào Cai tăng cường tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp các quy định của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là quy định của thị trường Trung Quốc đối với vùng trồng chuối. Các cơ quan chức năng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chuối, dứa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo vùng trồng phát triển ổn định đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng xuất khẩu; hướng dẫn áp dụng kỹ thuật quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) tại các vùng trồng giúp tăng cường sức khoẻ cây trồng với sâu bệnh hại đăc biệt là bệnh Panama hại chuối.
Địa phương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoặc phía bạn Trung Quốc theo các chương trình hợp tác đã ký kết giữa tỉnh Lào Cai với Châu Hồng Hà áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất giống chuối cấy mô sạch bệnh theo tiêu chuẩn xuất khẩu; giống dứa năng suất, chất lượng đáp ứng được yêu cầu ăn tươi và chế biến; giống cấy ăn quả ôn đới năng suất, chất lượng theo thị hiếu người tiêu dùng.
Đặc biệt, Lào Cai sẽ thành lập Tổ thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh. Tổ thị trường có nhiệm xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, hội nhập sâu rộng vào các thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu; thường xuyên cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm trong nước và trên thế giới cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Vinh, thời gian tới các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, địa phương chú trọng hơn nữa công tác tổ chức sản xuất liên kết ngang (nông dân - nông dân, hợp tác xã - hợp tác xã, doanh nghiệp - doanh nghiệp) đảm bảo hình thành vùng nguyên liệu tập trung và liên kết dọc (nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp) theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến tiêu thụ; đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch phù hợp.
Hương Thu