![]() |
Sản phẩm được làm từ chất liệu khăn rằn của làng nghề dệt choàng truyền thống xã Long Khánh A. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Đặt chân đến làng nghề dệt choàng tại ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, âm thanh những máy dệt choàng, se chỉ vang lên liên hồi. Những guồng máy dệt tay hầu như đã dần được thay thế bằng cơ giới hóa để tăng năng suất.
Đang tất bật bên 2 khung dệt, bà Đặng Lệ Thủy, 64 tuổi, có kinh nghiệm làm nghề hơn 30 năm chia sẻ: Làng nghề dệt choàng hoạt động quanh năm nhưng vào khoảng từ giáp Tết Nguyên đán đến tháng 4 âm lịch là mùa làm ăn nhộn nhịp nhất của các hộ dân nơi đây. Trung bình, một khung dệt máy, người lao động có thể dệt được khoảng 50 -60 sản phẩm khăn choàng/ngày. Bằng việc cơ giới hóa, sản phẩm làm ra tăng hơn trước gấp ba lần so với phương pháp dệt thủ công.
Theo thống kê của huyện Hồng Ngự, hầu hết các công đoạn dệt đều được cơ giới hóa. Riêng số khung dệt của làng nghề đang ở con số 150 khung. Với gần 50 hộ sản xuất, trung bình mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia… gần 1,5 triệu chiếc khăn các loại.
![]() |
Công đoạn phơi chỉ tại nghề dệt choàng Long Khánh A. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Sức mua giảm, đồng nghĩa với thời hoàng kim của chiếc khăn rằn không còn. Khăn choàng dệt xong chất đầy trong nhà nhưng không có nơi tiêu thụ. Hệ lụy tất yếu là lợi nhuận của ngành nghề không còn đủ sức hấp dẫn để “níu chân” người lao động. Vì thế, nhiều hộ gia đình đã ngừng sản xuất. Do đó, số khung dệt giảm khá mạnh, có thời điểm còn chưa đầy 20 khung.
Nỗi buồn đối với những người làm nghề như bà Nài là không sống được với nghề. Không thể đứng yên chứng kiến làng nghề đứng trên bờ vực bị mai một, những khung cửi đóng mạng nhện, các nghệ nhân nơi đây đã mạnh dạn thay đổi cách dệt, cải tiến mẫu mã…
![]() |
Công đoạn phơi chỉ tại nghề dệt choàng Long Khánh A. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chiều, thay đổi để thích nghi là điều tất yếu với một làng nghề. Với truyền thống hơn 100 năm, làng nghề dệt choàng lấy thế mạnh vốn có làm ưu thế cạnh tranh, sản phẩm mới của làng nghề, đó là sự kế thừa, phát huy các sản phẩm khăn rằn truyền thống. Chính sự thay đổi kích cỡ, màu sắc, họa tiết, hình thức sản phẩm… khăn rằn mang thương hiệu Long Khánh A ngày càng trở nên đa dạng và tinh tế hơn, dần chinh phục được thị hiếu khách hàng.
Bà Chiều cho biết, giá khăn choàng được dệt, phối màu mới giá dao động từ 40.000-60.000 đồng/sản phẩm, cao gấp đôi so với sản phẩm truyền thống. Việc mở rộng đối tượng khách hàng đã giúp làng nghề tái sinh, qua đó mang lại thu nhập ổn định, trung bình trên 100.000 đồng/người/ngày. Dù thu nhập này vẫn chưa có sự cải thiện lớn, nhưng cũng tạo sự phấn khởi cho những người bám nghề, từ đó nhen nhóm niềm hy vọng: Làng nghề sẽ trở lại thời hoàng kim như trước đây.
![]() |
Dệt khăn choàng tại hộ sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Mèn. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng cho biết, thời gian qua, địa phương đã và đang dành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lịch phát triển. Kèm theo đó, chính sách phát triển làng nghề cũng được quan tâm. Do đó, ngoài việc đưa vào sử dụng nhà trưng bày sản phẩm, sắp tới huyện sẽ đầu tư cầu, tàu để tạo thuận lợi cho các tour tuyến tham quan, trải nghiệm tại làng nghề.
Ông Nguyễn Hữu Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A là một trong 40 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được tỉnh Đồng Tháp công nhận. Dựa trên tình hình phát triển và tiềm năng của các làng nghề trong tương lai, Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, nghề đan dệt chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò); nghề đóng xuồng ghe Long Hậu (huyện Lai Vung); nghề sản xuất bột, trồng hoa kiểng (thành phố Sa Đéc); nghề đan mê bồ (thành phố Cao Lãnh); làng nghề dệt choàng ở ấp Long Tả, xã Long Khánh A là sáu nghề truyền thống được tỉnh tập trung bảo tồn và phát huy.Nhờ vậy, làng nghề trăm tuổi nay đã được hồi sinh. Làng nghề hiện có gần 50 hộ sản xuất với 150 khung dệt, trung bình một khung dệt máy dệt được khoảng 50 đến 60 sản phẩm khăn choàng/ngày, cung ứng ra thị trường gần 1,5 triệu chiếc khăn/năm.
![]() |
Công đoạn se chỉ của các thợ dệt tại nghề dệt choàng Long Khánh A. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
![]() |
Sản phẩm khăn choàng của làng nghề dệt choàng Long Khánh A. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Chương Đài