Làm giàu trên vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang

Làm giàu trên vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang

Nhân dân vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang đang tích cực xây dựng mô hình làm ăn mới, phù hợp với đặc thù địa phương, mang lại hiệu quả cao. Nuôi rắn ri voi trên địa bàn thuần nông, thường xuyên đối mặt với lũ lụt và thiên tai hàng năm là cách làm hay, sáng tạo của nông dân Trần Thanh Long, ngụ tại ấp 6, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy.

Gia đình ông Trần Thanh Long chỉ có khoảng 500 m2 đất thổ cư. Diện tích đất sản xuất ít nên trồng trọt, chăn nuôi gặp khó nếu không biết tính toán, xác định mô hình sản xuất hợp lý. Trên thửa đất ấy, trước đây, ông Trần Thanh Long xây chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Tuy nhiên, sau nhiều đợt dịch bệnh trên lợn, giá lợn thịt, lợn giống bấp bênh nên ông không có lãi, thậm chí lỗ nặng.

Làm giàu trên vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang ảnh 1 Ông Trần Thanh Long kiểm tra rắn bố mẹ. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Do vậy, sau nhiều trăn trở, tìm hiểu mô hình mới, cách làm hay, năm 2017, ông Trần Thanh Long quyết định đầu tư vốn chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi rắn ri voi. Ông Trần Thanh Long đánh giá, rắn ri voi là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, dễ chăm sóc, tăng trọng nhanh, thích hợp với những hộ nông dân ít đất canh tác như gia đình ông.

Ông tận dụng hệ thống chuồng trại nuôi lợn lâu nay bỏ không, cải tạo lại để nuôi rắn ri voi, giúp giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Cụ thể, ông có 3 hồ nuôi, mỗi hồ dài khoảng 2m và rộng 1m, tương đương 2m2/hồ, thả nuôi được khoảng 300 con rắn ri voi bố mẹ, trong đó rắn cái khoảng 200 con, còn lại là rắn đực.

Ông tìm hiểu về quy trình nuôi qua các kênh thông tin, tài liệu khuyến nông kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn áp dụng vào quá trình chăm sóc đàn rắn ri voi hàng ngày. Thức ăn chủ yếu của rắn ri voi là cá da trơn nhưng món khoái khẩu nhất của nó là cá trê lai. Nguồn cá trê lai làm thức ăn ông mua tại các trại ươm cá giống trong vùng. Rắn ri voi con nuôi sau 4-5 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng tối thiểu 0,5 kg/con. Sau 8 tháng tuổi, rắn đạt trọng lượng khoảng 800-900g/con, có thể cho sinh sản. Rắn trưởng thành mỗi lần đẻ từ 25-30 con rắn con.

Mùa sinh sản của rắn ri voi nuôi trong hồ nhân tạo thường bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 dương lịch năm trước và kéo dài cho đến tháng 5, tháng 6 năm sau. Để chuẩn bị cho rắn sinh sản, ông Long chọn những con rắn bố mẹ khỏe mạnh và thả chung vào hồ cho chúng kết đôi theo tỷ lệ 7 rắn cái, 3 rắn đực. Chăm sóc, có chế độ dinh dưỡng tốt chúng sẽ giao phối và đẻ con. Khi rắn con mới đẻ, ông vớt ra hồ riêng theo dõi, chăm sóc và ương dưỡng để cung ứng con giống cho thị trường.

Rắn giống ông bán ra thị trường có giá dao động trong khoảng 150.000 - 200.000 đồng/con tùy theo độ lớn. Với qui mô hồ và tổng đàn rắn bố mẹ hiện nay, mỗi năm, gia đình ông Trần Thanh Long cung ứng trên 500 con giống, thu về hàng trăm triệu đồng trong đó lãi ròng trên 70% tổng thu.

Ông Trần Thanh Long vui mừng cho biết, mô hình nuôi rắn ri voi thích hợp với nông hộ đất hẹp, dễ làm dễ thực hiện, mang lại nguồn lợi lớn. Nhờ thu nhập cao từ nghề nuôi rắn ri voi đã giúp ông có cuộc sống ổn định hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam Trần Văn Hát đánh giá, nuôi rắn ri voi là mô hình mới, thể hiện tư duy làm ăn đầy sáng tạo của hội viên Trần Thanh Long. Thông qua sinh hoạt tổ, hội nông dân cơ sở, kinh nghiệm nuôi rắn ri voi thành công của ông Trần Thanh Long đang được phổ biến rộng rãi trong hội viên nông dân xã Mỹ Thành Nam.

Nông dân Trần Thanh Long cũng là tấm gương chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Khi Nhà nước thi công, mở rộng và nâng cấp tuyến lộ Đường Nước đi qua đất nhà ông Long theo chuẩn quốc gia thì gặp khó khăn về quỹ đất phát triển giao thông nông thôn. Thấy vậy, ông đã tự nguyện hiến thửa đất bề ngang 3m và dài 150m có tổng diện tích khoảng 450 m2 để đơn vị thi công mở rộng, nâng cấp con đường. Tuyến lộ Đường Nước hoàn thành, trải nhựa phẳng phiu đang phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội ở Mỹ Thành Nam hôm nay.

Nói về việc làm vì cộng đồng của mình, ông Trần Thanh Long vui vẻ chia sẻ, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân thông qua những việc làm thiết thực mà bà con trực tiếp hưởng lợi. Gia đình ông với trách nhiệm của một công dân phải tích cực góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực đổi thay miền đất thuần nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Nam Nguyễn Văn Giang đánh giá cao tấm gương làm kinh tế giỏi và tiên phong chung sức xây dựng nông thôn mới của ông Trần Thanh Long. Ông Nguyễn Văn Giang cho biết, với sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới của mọi tầng lớp nhân dân điển hình là ông Trần Thanh Long đã tạo thuận lợi để địa phương hoàn thiện kiến thiết hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp Mỹ Thành Nam ra mắt xã nông thôn mới vào cuối năm 2021.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm