Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai Kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước; đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn toàn tỉnh trong mùa khô năm 2025.
Theo đó, 8 huyện và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc được yêu cầu liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán; nắm bắt tình hình sản xuất để chủ động trong phòng, chống hạn hán; tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước; trong đó cần chủ động bố trí đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025 để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt để đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn tập trung do địa phương làm chủ đầu tư để sớm phát huy hiệu quả…
Các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường tuyên truyền đến cơ quan, đơn vị và người dân để nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nước và hiệu quả; huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tại các hệ thống kênh, cống lấy nước; đối với các khu vực cách xa, không có công trình thủy lợi, khuyến cáo người dân canh tác chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng ít dùng nước; huy động người dân sử dụng máy bơm gia đình, máy bơm dã chiến để bơm nước từ khe suối, ao hồ phục vụ chống hạn… Khi xảy ra hạn hán, cần thực hiện các biện pháp ưu tiên cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao…
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 10/1/2025, dung tích các hồ thủy điện, thủy lợi lớn trên địa bàn vẫn còn khoảng 95% so với thiết kế. Mực nước trong hồ thủy lợi phổ biến thấp hơn so với mức nước dâng bình thường từ 0 đến gần 1m; đối với các hồ thủy điện lớn, mực nước thấp hơn từ 0 đến gần 2m. Cụ thể hồ thủy điện Đa Khai thấp hơn 1,74m; hồ thủy điện Đồng Nai 3 thấp hơn 0,60m; hồ thủy điện Đồng Nai 4 thấp hơn 0,44m; hồ thủy lợi số 7 Lạc Dương thấp hơn 0,67m…
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định căn cứ dự báo tình hình thời tiết, thủy văn và thực tế của các địa phương thì hiện các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có thể đáp ứng nhu cầu cấp nước. Tuy nhiên trong thời gian tới, nếu xuất hiện nắng nóng kéo dài, hạn hán có khả năng gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Cụ thể đối với cấp nước phục vụ sản xuất, dự kiến có khoảng trên 11.000 ha đất sản xuất sẽ bị thiếu nước và khoảng 73 hộ dân trên địa bàn huyện Đức Trọng bị thiếu nước sinh hoạt…
Mùa khô năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã từng xảy ra tình trạng khô hạn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Điển hình trong đó địa bàn huyện Di Linh có khoảng 9.333 ha cây trồng, chủ yếu là cây cà phê bị thiếu nước, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, năng suất, chất lượng. Đặc biệt, tại một số địa phương có hiện tượng cà phê bị héo, cháy, rụng lá do nắng nóng với tổng diện tích khoảng 660 ha. Đáng chú ý, có gần 300 hộ dân ở xã Đại Lào và Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc) lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt khá trầm trọng…
Chu Quốc Hùng