Tây Ninh: Đảm bảo an toàn cho công trình hồ thủy lợi mùa mưa bão

Để đảm bảo an toàn cho công trình hồ thủy lợi mùa mưa bão, tỉnh Tây Ninh yêu cầu các đơn vị liên quan không chủ quan, lơ là, đồng thời rà soát, kiểm tra vùng xung yếu, kịp thời điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt, đánh giá mức độ an toàn công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La nhằm chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết.

Đảm bảo các phương án ứng phó

Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là hệ thống công trình thủy nông có quy mô lớn nhất nước (diện tích mặt hồ rộng 27km2, tổng dung tích là 1,58 tỷ m3 nước), trên địa phận 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Hồ Dầu Tiếng hiện là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia.

vna_potal_dam_bao_an_toan_cho_cong_trinh_ho_thuy_loi_tai_tay_ninh_trong_mua_mua_bao__7654666.jpg
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến bất thường của thời tiết để kịp thời điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai. Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Giám đốc chi nhánh Dầu Tiếng - Phước Hòa, thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam, hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa được thiết kế phục vụ khai thác đa mục tiêu. Trong đó, hồ có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 104.828 ha đất nông nghiệp; cấp 43,8 m3/s cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt của Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh; đẩy mặn, hỗ trợ nguồn nước tưới cho 28.800 ha ven sông Sài Gòn và 32.317 ha ven sông Vàm Cỏ Đông; tận dụng lưu lượng xả môi trường, lượng nước qua cống lấy nước để phát điện với tổng công suất thiết kế là 20,5MW; tận dụng mặt nước, đất bán ngập để phát triển điện mặt trời với công suất 610MW. Đặc biệt, hồ Dầu Tiếng có vai trò cắt giảm lũ, cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước vùng hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông; trồng rừng bán ngập; phát triển nuôi trồng thủy sản; khai thác tài nguyên khoáng sản…

Với mục tiêu này, theo ông Nguyễn Văn Lanh, công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý, khai thác và vận hành công trình.

vna_potal_dam_bao_an_toan_cho_cong_trinh_ho_thuy_loi_tai_tay_ninh_trong_mua_mua_bao__7654670.jpg
Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt hồ rộng 27 km2, tổng dung tích là 1,58 tỷ m3 nước cung cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp cho Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Giang Phương – TTXVN

Theo đó, để đảm bảo chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, sự cố công trình, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Đơn vị xây dựng Kế hoạch vận hành mùa lũ năm 2024 trên cơ sở nhận định tình hình khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và dự báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam; triển khai xây dựng hồ sơ lập phương án ứng phó thiên tai, bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ Dầu Tiếng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

vna_potal_dam_bao_an_toan_cho_cong_trinh_ho_thuy_loi_tai_tay_ninh_trong_mua_mua_bao__7654673.jpg
Công tác trực điều hành xả lũ của Chi nhánh Dầu Tiếng – Phước Hòa thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam. Ảnh: Giang Phương – TTXVN

Nâng cấp, sửa chữa các vị trí xung yếu

Để đảm bảo an toàn công trình, cấp nước ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ các tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh, thành phố lân cận, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác, theo ông Trần Quang Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam, đến nay, kết cấu hạ tầng thủy lợi hồ Dầu Tiếng đã được triển khai thi công 23/56 danh mục. Đồng thời, công ty cử cán bộ rà soát, xây dựng danh mục, kế hoạch bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi năm 2025.

vna_potal_dam_bao_an_toan_cho_cong_trinh_ho_thuy_loi_tai_tay_ninh_trong_mua_mua_bao__7654674.jpg
Đập chính của hồ Dầu Tiếng được duy tu, bảo trì để đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình trong mùa mưa, lũ. Ảnh: Giang Phương – TTXVN

Trong đó, Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng (giai đoạn 2) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với tổng vốn đầu tư trên 400,5 tỉ đồng (nguồn vốn đầu tư trung hạn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) đang được đơn vị triển khai. Các hạng mục gồm: Sửa chữa, gia cấp, chỉnh trang mặt đập chính; sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đập phụ; nâng cấp 3 đoạn kênh Tây, tràn xả lũ và cống dẫn dòng. Trong đó, đơn vị đã hoàn thành lắp đặt thay thế 3 cửa van đưa vào vận hành mùa lũ năm 2024, 3 cửa còn lại sẽ được hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Ngoài ra, công ty cũng rà soát, bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; lắp đặt các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng như trạm đo mực nước hồ, trạm khí tượng khu vực đầu mối và trạm đo mưa, trạm đọc nước tự động. Toàn bộ đập chính, tràn xả lũ, cống điều tiết cũng được lắp đặt tổng cộng 42 camera giám sát.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quang Hùng, công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng đã được xây dựng, đưa vào khai thác vận hành gần 40 năm chưa đánh giá tổng thể lưu vực, quy trình vận hành hiện nay vẫn còn một số bất cập như quy định về xả dòng chảy môi trường, quy định việc sử dụng dung tích phòng lũ… Do đó, Công ty đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư kinh phí triển khai nhiệm vụ xây dựng đường đặc tính hiện trạng lòng hồ và đánh giá dung tích, khả năng bồi lắng lòng hồ chứa nước Dầu Tiếng.

Để đảm bảo hành lang thoát lũ trên sông Sài Gòn khi hồ xả lũ, theo ông Trần Quang Hùng, đơn vị đã đề nghị các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung quy hoạch hệ thống đê bao phòng lũ, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các hoạt động nằm trong phạm vi hành lang thoát lũ theo phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Dầu Tiếng. Đồng thời, đơn vị có giải pháp nạo vét, giải tỏa nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, đảm bảo an toàn công trình hồ đập, hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt từ sau đập đến cầu Bến Súc (40km) với kịch bản hồ xả lũ với lưu lượng trên 600m3/s…

vna_potal_dam_bao_an_toan_cho_cong_trinh_ho_thuy_loi_tai_tay_ninh_trong_mua_mua_bao__7654675.jpg
Cống số 1 của hồ Dầu Tiếng luôn được đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Ảnh: Giang Phương – TTXVN

Đồng thời, các địa phương sớm triển khai Đề án phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác trồng rừng đầu nguồn, bán ngập để tăng độ che phủ, giảm bồi lắng, giảm dòng chảy lũ và tăng dòng chảy kiệt; kết hợp công tác phòng, chống thiên tai. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi: khai thác khoáng sản, sản xuất điện mặt trời, nuôi cá lồng bè, xả thải, sản xuất nông nghiệp trên đất bán ngập trong lòng hồ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian tới, các đơn vị không được phép chủ quan, lơ là trong phòng, chống bão lũ, thiên tai; tập trung đánh giá mức độ an toàn công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La; tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng, thủy lợi, hồ chứa đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn. Mặt khác, cần chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”; chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó khi có thiên tai. Song song đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền giúp cộng đồng dân cư tiếp cận thông tin cơ bản về thiên tai, kỹ năng phòng tránh, ứng phó với các loại hình thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm