Khôi phục hệ thống thủy lợi vùng rốn lũ

Để sản xuất nông nghiệp vùng rốn lũ sớm ổn định trở lại, tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng rà soát, thống kê thiệt hại, xây dựng phương án và tập trung nguồn lực sửa chữa, khôi phục hệ thống thủy lợi hoạt động trở lại, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Đông đúng khung thời vụ, góp phần quan trọng ổn định cuộc sống của người dân sau lũ.

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái cho thấy, hiện toàn tỉnh đang vận hành 2.333 công trình và cụm công trình thủy lợi; trong đó có 133 hồ chứa, 2.166 đập dâng, 34 trạm bơm. Bão số 3 đã làm hư hỏng 429 công trình thủy lợi, chiếm gần 15% tổng số công trình, hàng vạn mét kênh mương dẫn thoát nước bị vùi lấp, nhiều đoạn đê, bờ kè bị sạt lở, phá hủy nghiêm trọng, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, do tính chất đặc thù của địa hình đất canh tác, hệ thống thủy lợi của Yên Bái có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, Qua thống kê, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với toàn ngành nông nghiệp gần 700 tỷ đồng, trong đó thiệt hại riêng lĩnh vực thủy lợi hơn 280 tỷ đồng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc tưới tiêu, cấp nước cho gần 14.500 ha cây trồng.

vna_potal_yen_bai_no_luc_khoi_phuc_he_thong_thuy_loi_vung_ron_lu_7678557.jpg
Bão số 3 đã làm 429 công trình thủy lợi của Yên Bái hư hỏng, hàng vạn mét kênh mương dẫn thoát nước bị vùi lấp, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: TTXVN phát

Tuy nhiên, việc hư hỏng, không vận hành được các công trình thủy lợi còn kéo theo nguy cơ làm chậm nguồn cung cấp nước tưới cho sản xuất vụ Đông năm nay và tiêu thoát nước cho những diện tích cây trồng đang bị úng ngập. Hơn nữa, nước lũ đã bồi đắp lượng bùn đất rất lớn, tạo thành mặt bằng mới cho hầu hết diện tích bị ngập, do vậy hệ thống thủy lợi cần phải nâng cấp, tôn tạo để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp sau lũ.

Điển hình là công trình thủy lợi đập Ngòi Lẫm, thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên bị sạt lở, vùi lấp bởi hàng vạn m3 bùn đất xuống lòng đập, gần như san bằng mặt đập, mất hoàn toàn khả năng tích nước và tưới tiêu cho trên 218 ha lúa 2 vụ, hơn 70 ha rau màu và gần 4 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp hàng vạn hộ dân 5 thôn của xã Đông Cuông.

Tại huyện Trấn Yên, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp tới 40 công trình thủy lợi trên địa bàn; trong đó có 2 hồ chứa bị vỡ; gần 20 km kênh mương bị gẫy, bị bùn, cát vùi lấp; 7 trạm bơm bị ngập làm hỏng thiết bị, nhiều đoạn đê sông bị sạt lở, ước thiệt hại hơn 100 tỷ đồng… ảnh hưởng trực tiếp tới việc tưới tiêu của hàng nghìn ha diện tích gieo cấy vụ đông và 35 ha mặt nước nuôi thủy sản.

Là công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Trấn Yên, phục vụ tưới tiêu cho gần 26 ha lúa 2 vụ và 20 ha nuôi thủy sản. Sau 2 đợt mưa lũ vừa qua, công trình thủy lợi Bản Khun 2, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên gồm đập tràn bê tông và tuyến kênh dẫn dài hơn 1.200 mét đã bị tê liệt hoàn toàn, làm đứt gãy kênh bê tông và đường bê tông liên thôn, có nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân dưới hạ lưu phải sơ tán, công trình cần phải có thời gian dài để khắc phục.

vna_potal_yen_bai_no_luc_khoi_phuc_he_thong_thuy_loi_vung_ron_lu_7678555.jpg
Công trình thủy lợi đập đầu mối Ngòi Lẫm, thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên bị đất đá, cây cối vùi lấp lòng hồ, sạt lở bờ đập và kênh mương nơi đây. Ảnh: TTXVN phát

Một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, ông Trần Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên cho hay, hệ thống thủy lợi hư hỏng nặng khiến hàng trăm héc-ta dâu không thể phục hồi do bị ngập úng. Chỉ tính riêng công trình thủy lợi Đát Lòng Mo đã bị vùi lấp hơn 1.000 m3 đất, làm mất hoàn toàn khả năng tưới tiêu cho trên 40 ha cây trồng, ảnh hưởng sinh kế đến hơn 200 hộ dân của xã. Toàn bộ trạm bơm điện và đường ống bị vùi lấp, không thể khôi phục dẫn đến ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông năm 2024.

Tập trung khôi phục

Ngay từ khi nước rút, nhiệm vụ cấp bách được các địa phương tỉnh Yên Bái thực hiện là nhanh chóng sửa chữa, gia cố các công trình bị hư hỏng, nhiều biện pháp khắc phục tạm thời đảm bảo tiêu thoát nước, giúp nông dân ổn định sản xuất vụ Đông năm nay.

Ông Hoàng Hữu Độ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, các địa phương thực hiện ngay các giải pháp tạm thời để đảm bảo tưới bước một, khắc phục các hư hỏng nhỏ bằng mọi nguồn lực, không để phát sinh hư hỏng thêm. Khôi phục công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương bị bồi lấp.

vna_potal_yen_bai_no_luc_khoi_phuc_he_thong_thuy_loi_vung_ron_lu_7678556.jpg
Phương án khắc phục các công trình thủy lợi sẽ chia làm nhiều giai đoạn, trước mắt tập trung nạo vét bùn bồi lắng hệ thống kênh mương và các cửa lấy nước. Ảnh: TTXVN phát

Các đơn vị rà soát các hồ chứa thủy lợi để thực hiện tích nước hợp lý trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình để tích được lượng nước cao nhất khi mùa mưa, lũ kết thúc. Xử lý kịp thời các sự cố đê tránh tình trạng chủ quan, lơ là do khi lũ rút cũng sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê; khẩn trương xử lý triệt để những điểm sạt lở do bão lũ gây ra.

Về kinh phí thực hiện, tỉnh Yên Bái đã chi hơn 21 tỷ đồng cho xử lý khẩn cấp 4 tuyến đê và khắc phục tạm thời 429 công trình thủy lợi bị hư hỏng. Dự kiến thời gian hoàn thành trong tháng 12/2024. Về lâu dài, tỉnh đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp 59 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, với kinh phí 150 tỷ đồng.

Sau hơn 1 tháng, huyện Văn Yên đã tạm thời đưa phần lớn các công trình thủy lợi hoạt động trở lại, ông Lê Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết, chỉ đạo chính quyền các xã chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi để đánh giá mức độ thiệt hại, cung cấp vật tư, huy động lực lượng cùng với người dân tiến hành sửa chữa, khôi phục tạm thời các công trình thủy lợi để ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất.

vna_potal_yen_bai_no_luc_khoi_phuc_he_thong_thuy_loi_vung_ron_lu_7678558.jpg
Hệ thống kênh mương thủy lợi Ngòi Róm, xã Đông An, huyện Văn Yên đã được khắc phục xong, hàng trăm hét-ta cánh đồng xã Đông An đã đảm bảo nước tưới vụ Đông. Ảnh: TTXVN phát

Tại cơ sở, ông Lê Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đông An, huyện Văn Yên cho hay, phương án khắc phục các công trình thủy lợi sẽ chia làm nhiều giai đoạn. Trước mắt, xã tập trung nạo vét bùn bồi lắng hệ thống kênh mương; bố trí lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước đối với trạm bơm bị lũ cuốn trôi; sửa hệ thống đường điện, thay thế tủ điều khiển, động cơ máy bơm tại những trạm bơm có thể khôi phục được để phục vụ sản xuất vụ Đông.

Đối với đoạn kênh dẫn bị sạt lở, gãy đổ không dẫn được nước thì thực hiện lắp đặt ống nhựa HDPE để dẫn nước; đắp đập tạm để lấy nước vào kênh đối với công trình đập dâng bị hư hỏng đầu mối. Đối với hệ thống mương bị ngập sâu trên 1 mét không tiến hành nạo vét, xã đề nghị tiến hành xây cầu máng và trạm bơm mới thay thế. Xã phấn đấu hoàn thành việc khắc phục bước một các công trình thủy lợi xong trước ngày 30/11 năm nay.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm