Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đã xuất hiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Các điển hình gương nông dân làm kinh tế giỏi ở các địa phương được nhân rộng.
Chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân huyện Than Uyên (Lai Châu) đã phát động, đa dạng hóa các phong trào thi đua, trong đó tập trung vào phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững’. Theo đó, Huyện Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với hội viên, nông dân như: cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, tín chấp với các ngân hàng cho hội viên vay vốn ưu đãi; tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình thí điểm; thành lập, duy trì các chi hội nghề nghiệp, tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi trâu bò, cá lồng, trồng cây ăn quả… Hết năm 2022, toàn huyện Than Uyên có 975 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Tại xã Hua Nà, huyện Than Uyên, chính quyền xã luôn khuyến khích nông dân thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ hội viên về vốn vay. Anh Vàng Văn Thỏa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hua Nà, huyện Than Uyên cho biết: Để hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Hua Nà đã phối hợp với các tổ chức chính trị trong xã tuyên truyền bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; vận dụng một số nguồn tín dụng từ quỹ hỗ trợ nhân dân của tỉnh, của huyện để hỗ trợ vốn cho bà con. Từ đó, nhiều hộ dân được vay vốn phát triển các mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập cao.
Chị Nùng Thị Hương xã Hua Nà phấn khởi nói, “tận dụng diện tích đất vườn của gia đình rộng, vợ chồng tôi đã xây dựng chuồng kiên cố để nuôi gia súc, gia cầm. Hiện, gia đình nuôi 3 con trâu, 4 con lợn, hơn 200 con gà, vịt, ngan; trồng 2 ha ổi Đài Loan, 200 gốc cây bưởi và mấy trăm gốc chuối trên đất ruộng, đất khai hoang. Trong chăn nuôi hay trồng trọt, tôi luôn chú ý đến kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình thu hơn 100 triệu đồng, cuộc sống khá giả hơn trước”.
Gắn bó với nghề nông bao năm, ông Nguyễn Văn Cận, hội viên Chi hội Nông dân bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường đúc rút được kinh nghiệm phải tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường và sản xuất đa dạng các loại cây, con giống, mới có nguồn thu nhập cao, bền vững. Do đó, ông Cận đã đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện nay, gia đình ông Cận có trên 200 gốc mắc ca, trong đó có trên 100 gốc cho thu hoạch; chăm sóc quản lý 1,8 ha rừng, trồng 1,6ha cây ăn quả các loại, 1ha sa nhân, nuôi cá và gia súc, gia cầm. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu trên 200 triệu đồng. Không chỉ nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, ông Cận còn là đảng viên tiên phong trong các phong trào thi đua của xã Thèn Sin.
Ông Nguyễn Văn Cận chia sẻ, ông trồng trọng tâm là cây mắc ca (mỗi năm thu nhập trên dưới 100 triệu đồng) và chăn nuôi lợn (có lúc lên đến 100 con). Cùng với phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho gia đình, ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ các hội viên về cây giống để cùng nhau phát triển kinh tế bền vững.
Đến tháng 1/2023, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu có 106 cơ sở hội, 972 chi hội với 69.013 hội viên. Bám sát các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển kinh tế, xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tích cực chỉ đạo, vận động cán bộ, hội viên đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Đặc biệt, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao; đồng thời phát huy tinh thần tương thân tương ái, tích cực giúp đỡ hộ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu cho hay, đến thời điểm này, Hội có trên 5.500 hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Các hộ này đã giúp đỡ rất nhiều hộ gia đình khác thoát nghèo bằng kinh nghiệm, vốn, thuê lao động. Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng theo từng năm. Năm 2021, toàn tỉnh có 5.129 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2022, số lượng đã tăng lên 5.567 hộ. Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên, nông dân. Đặc biệt, trong số 158 sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu, đa số là của hội viên nông dân. Kết quả này đã góp phần khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân các cấp và hội viên trong phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội tuyên truyền nhân rộng gương điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm quyết tâm vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Cùng đó, Hội tiếp tục hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phối hợp đào tạo nghề, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nguyễn Oanh