Hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân Than Uyên

Sản phẩm mật ong Pha Mu. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN
Sản phẩm mật ong Pha Mu. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Tận dụng lợi thế, thế mạnh của địa phương, Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu, xã Pha Mu, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Sau một thời gian nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả với thu nhập cao, mở ra triển vọng, hướng phát triển kinh tế mới giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống.

Mô hình nuôi ong lấy mật được Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu triển khai từ năm 2018 với 20 thùng ong ban đầu. Theo anh Kháng A Chính - Bí thư Đoàn xã Pha Mu, thành viên Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu, mô hình nuôi ong lấy mật được bà con trong xã nuôi từ lâu, nhưng chỉ rải rác ở các hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung và chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình nên hiệu quả kinh tế không cao.

Hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân Than Uyên ảnh 1Nuôi ong tại vườn cây ăn quả của Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu, xã Pha Mu (Than Uyên, Lai Châu). Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi ong, anh cùng với các thành viên trong hợp tác xã quyết định đầu tư nuôi ong lấy mật với quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mật ong cho người dân trên địa bàn huyện Than Uyên.

Ngày mới nuôi hợp tác xã chỉ nuôi ở cạnh nhà và ở vườn, nơi mà diện tích đất trồng trọt cho hiệu quả kinh tế kém. Do là mô hình mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, các thành viên trong hợp tác xã đã tự học hỏi trên sách báo, mạng internet để đóng từng thùng rồi chờ ong đến và ở lại thùng. Sau hơn 2 năm nuôi, hợp tác xã nhận thấy ong rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn.

Chia sẻ về mô hình nuôi ong, anh Kháng A Chính cho biết, nuôi ong ít vất vả, không mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu ít so với những nghề khác, chỉ cần kiên trì và nhẹ nhàng, tỉ mỉ trong khâu nhân giống là được. Nhưng để phát triển lâu dài và bền vững người nuôi ong cần phải chú ý công đoạn dụ ong về.

Vào mùa hoa, người nuôi phải tách, nhân đàn ong ra các thùng bằng cách tách cầu hoặc làm nhũ chúa từ sáp ong. Việc tách hoặc kiểm tra cầu, nhân giống đàn bắt buộc phải làm nhẹ nhàng đảm bảo không kích động tới ong làm ong bay mất. Nhân càng nhiều ong chúa, ong thợ về thùng thì sẽ càng được nhiều mật hơn, đem lại thu nhập cao hơn.

Trung bình vào mùa hoa tháng 2 hàng năm, sẽ quay hoặc vắt lấy mật một lần/cầu/tháng. Muốn mật đậm đặc, sánh hơn thì để thời gian lấy mật dài một chút. Trung bình một tổ ong sẽ cho thu hoạch mật 3 lần/năm. Sau một thời gian nuôi và bán mật, đa số khách hàng phản hồi chất lượng mật ong có độ sánh, thơm và ngọt.

Từ 20 thùng ong ban đầu, sau hơn 2 năm nuôi, đến nay Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu đã phát triển lên 300 thùng ong. Từ đầu năm tới nay, hợp tác xã đã thu mua khoảng 800 lít mật ong. Sản phẩm mật ong được bán trên mạng xã hội, bán buôn cho các thương lái; trưng bày, giới thiệu, bán tại các hội nghị, dịp lễ hội trong và ngoài huyện Than Uyên. Mật ong được bán với giá trung bình 200 nghìn đồng/lít, thu về 160 triệu đồng.

Hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân Than Uyên ảnh 2Bí thư Đoàn xã Pha Mu Kháng A Chính, thành viên Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong cho ông Lò Văn Xuân ở bản Chít, xã Pha Mu (Than Uyên, Lai Châu). Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Nhận thấy hiệu quả kinh tế, các thành viên trong hợp tác xã đã hỗ trợ người dân trên địa bàn xã Pha Mu về giống bằng cách cho người dân mượn ong chúa để nhân giống; hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, chăm sóc ong. Đặc biệt, để người có thêm việc làm, thu nhập, tin tưởng hơn về hướng phát triển kinh tế mới này, hợp tác xã còn vận động và tạo điều kiện cho các hộ dân đăng ký tham gia và duy trì liên kết đầu ra cho các hộ dân có truyền thống nuôi ong tự nhiên bằng cách thu mua lại mật của người dân để bán. Đến nay, xã có khoảng 50 hộ dân đang nuôi ong lấy mật theo hình thức nuôi cầu chứ không nuôi theo thùng quy mô lớn.

Ông Lò Văn Xuân ở bản Chít, xã Pha Mu chia sẻ, nhận thấy mô hình nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao của Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu, ông đã tự nguyện đăng ký xin tham gia vào hợp tác xã. Ông đã tận dụng diện tích đất vườn trồng các loại cây ăn quả tổng hợp của gia đình để làm vườn nuôi ong. Sau hơn 1 tháng nuôi, đàn ong của ông đang phát triển tốt và hy vọng sẽ cho nhiều mật.

Xác định mật ong là sản phẩm chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế, tháng 10 vừa qua hợp tác xã tiếp tục đặt mua 150 thùng ong mật để nhân rộng và phát triển mô hình nuôi ong. Hợp tác xã hiện đang hoàn thiện các thủ tục để hướng tới xây dựng sản phẩm mật ong là sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu.

Đặc biệt, hợp tác xã cũng đang nghiên cứu sản xuất mật ong mắc ca để tạo nên sản phẩm mật ong đặc trưng, riêng biệt với chất lượng tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Qua đó, nhằm xây dựng sản phẩm mật ong Pha Mu ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh Lai Châu biết đến và tin dùng.

Hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân Than Uyên ảnh 3 Sản phẩm mật ong Pha Mu. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Đánh giá về mô hình nuôi ong lấy mật của Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu, ông Vũ Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Pha Mu cho biết, mô hình nuôi ong là một trong những mô hình điển hình đã mở ra triển vọng, hướng đi mới cho nông dân trong phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như trước đây.

Từ mô hình này, có nhiều hộ dân đến học hỏi kinh nghiệm, áp dụng nuôi ong tại gia đình, tạo sự chủ động, ham học hỏi trong phát triển kinh tế của bà con nhân dân. Nếu sản phẩm mật ong Pha Mu được chọn làm sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu trong thời gian tới, sẽ tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm và ngày khẳng định chất lượng sản phẩm.

Với tín hiệu vui từ mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn. thời gian tới, xã Pha Mu tiếp tục tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển mô hình nuôi ong; đồng thời, khuyến khích nhân dân tận dụng diện tích đất vườn trồng cây ăn quả, hoặc cây kém hiệu quả để nuôi ong, tạo thêm thu nhập cho bà con.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm