Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn Sùng A Dờ hướng dẫn bà con cách chăm sóc và tạo tán cho cây lê. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN |
Những năm trước đây ở xã vùng cao Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ sản xuất nông, lâm nghiệp của bà con nhân dân các dân tộc mang tính manh mún, nhỏ lẻ chủ yếu là tự cung, tự cấp. Trình độ canh tác, khả năng đầu tư thâm canh hạn chế, năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống của đa số người dân trong vùng còn nhiều khó khăn. Nhờ triển khai dự án phát triển cây ăn quả ôn đới mà người dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi nhận thức hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung làm tiền đề giảm nghèo bền vững.
Ông Sùng Chìa Di, bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn cho biết, gia đình ông được Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho 500 cây đào và 40 cây lê để trồng và đến nay diện tích trồng cây lê và cây đào nhà ông phát triển rất tốt. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở xã vùng cao này rất là phù hợp với cây lê, cây cho nhiều quà mà lại rất ngọt.
“Tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ đầu tư thêm cây lê để gia đình tôi cũng như các gia đình khác trong bản phát triển nhân rộng diện tích, giúp bà con cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo”, ông Sùng Chìa Di bày tỏ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn Sùng A Dờ hướng dẫn bà con cách chăm sóc và tạo tán cho cây lê. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN |
Bắt đầu trồng thử nghiệm cây lê từ năm 2014, năm nay vườn lê nhà ông Sùng A Hồ, bản Chang, xã Sà Dề Phìn đã bắt đầu có quả và bước đầu đã giúp gia đình ông có thêm thu nhập. Ông Sùng A Hồ vui mừng cho biết: “Gia đình tôi cũng như bà con trong bản rất là phấn khởi với dự án trồng cây ăn quả ôn đới này và rất phấn khởi vì sẽ có thêm thu nhập từ cây lê. Gia đình tôi rất mong muốn các cấp ủy chính quyền cũng như Đảng, Nhà nước có những cây ăn quả như này để bà con tăng thêm thu nhập”.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là chương trình phát triển cây ăn quả ôn đới trên địa bàn các xã vùng cao, huyện Sìn Hồ có tổng diện tích cây ăn quả ôn đới đạt trên 121 ha, chủ yếu giống lê Tai Lung của Đài Loan, đào chín sớm B2 của Pháp và mận hậu. Riêng ở xã Sà Dề Phìn trồng tập trung được 20 ha, gồm có 10 ha lê, 5 ha mận và 5 ha đào.
Qua đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, bước đầu có thể khẳng định cây ăn quả ôn đới được bố trí trồng trên địa bàn các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, cây sinh trưởng phát triển tốt, nhiều diện tích đã cho quả sai, bước đầu đem lại thu nhập cho người dân. Dự kiến, huyện Sìn Hồ sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển cây ăn quả ôn đới tới năm 2025 đạt 640 ha.
Bà con trong bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn chăm sóc cây lê. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN |
Theo ông Sùng A Dờ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn có 7 bản thì 4 bản đã trồng cây ăn quả ôn đới, tổng diện tích là 20 ha. Hiện nay, người dân của 3 bản còn lại cũng muốn trồng cây ăn quả ôn đới này. Qua thực tế trên địa bàn, cây ăn quả ôn đới sinh trưởng và phát triển rất tốt, khí hậu và thổ nhưỡng rất là phù hợp, theo đánh giá thì đây là loại cây có giá trị kinh tế rất là cao, tạo thu nhập cho bà con nhân dân, là tiền đề cho xã đến năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu về thu nhập và về đích về nông thôn mới.
Ông Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ cũng như tỉnh Lai Châu tiếp tục quan tâm đầu tư thêm, mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới, giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, trong năm 2018 huyện Sìn Hồ dự kiến trồng thêm 10 ha cây ăn quả ôn đới nữa. Huyện đang có chương trình hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón và hỗ trợ về công tác khuyến nông, hướng dẫn về quy trình đào hố, quy trình trồng, bón phân, chăm sóc, cắt tỉa tạo tán cho cây. Cùng đó, huyện cũng đang nghiên cứu tìm các thị trường liên kết cho bà con để có đầu ra ổn định cho bà con.
Dự án “Phát triển cây ăn quả ôn đới tại xã Sà Dề Phìn huyện Sìn Hồ” đã góp phần khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo cho người dân địa phương. Việc phát triển cây ăn quả ôn đới sẽ mở ra triển vọng trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Công Tuyên