"Sâu keo mùa thu" phá hại ngô . Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Hiện nay, tỉnh Lai Châu có trên 17.500 ha ngô trồng tập trung ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ…và số diện tích ngô này đang giai đoạn từ 4 - 7 lá và xoáy nõn. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3 trở lại đây, sâu keo mùa thu đã phát sinh và gây hại tại 8 huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu với trên 1.800 ha ngô bị nhiễm, diện tích nhiễm nặng là gần 300 ha. Trước diễn biễn phức tạp của sâu này, các huyện đang tập trung khoanh vùng và chỉ đạo bà con phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị nhằm khống chế và không để lây lan ra diện rộng. Thống kê từ tỉnh Lai Châu cho thấy, vụ ngô Xuân Hè năm nay toàn huyện Sìn Hồ gieo trồng gần 5.100 ha; trong đó, diện tích ngô bị sâu keo phá hoại là trên 520 ha, chủ yếu tập trung tại các xã Tủa Sín Chải, Làng Mô, Pa Khóa và Tà Ngảo. Diện tích tuy không lớn nhưng cũng gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho bà con. Bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết, ngay sau khi xuất hiện loại sâu bệnh này, để ngăn chặn không cho sâu bệnh lây lan sang diện tích mới, đơn vị đã chỉ đạo bà con mua thuốc bảo vệ thực vật và phun thuốc theo đúng hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Vì vậy, hiện tượng sâu hại đã giảm rõ rệt, số diện tích bị sâu hại đã phục hồi. Tuy nhiên, đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra, theo dõi giám sát để đảm bảo sâu hại không lây lan sang diện tích mới. Tỉnh Lai Châu hiện đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích ngô bị nhiễm sâu; đồng thời, khuyến cáo nhân dân phun phòng trừ sâu keo mùa thu bằng một số loại thuốc như: Diazinon, cartap, Dimethoate, Vibasu 10GR, Diaphos 50EC... Theo bà Trương Thị Nhàn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lai Châu, đây là một đối tượng dịch hại mới lần đầu tiên xuất hiện tại Viêt Nam cũng là lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh. Trước thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn nỗ lực vào cuộc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ. Đến nay, các địa phương đã tổ chức phun trừ được 1.297/1.836 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu; những huyện nhiễm nặng phòng trừ tương đối triệt để. Những diện tích được phun trừ sâu keo, ngô đã phục hồi và phát triển bình thường. Cơ quan chuyên môn cũng lưu ý nông dân dùng một số loại thuốc mà có tác dụng nội hấp (lưu dẫn). Đặc biệt ở giai đoạn ngô xoáy nõn, trổ cờ thì không sử dụng thuốc tiếp xúc, do có hiệu quả không cao. Hiện nay, đối với một số diện tích ngô mới trồng, phía Chi cục cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các huyện để tiến hành kiểm tra, giám sát. Hiện nay, toàn bộ diện tích ngô vụ Xuân Hè bị sâu keo mùa thu gây hại đang được bà con phun thuốc phòng trừ. Đối với diện tích chưa bị sâu bệnh, cơ quan chuyên môn tỉnh Lai Châu tiếp tục khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ và chủ động phun thuốc phòng trừ nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do sâu keo mùa thu gây ra.
Công Tuyên