Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch

Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu của đồng bào dân tộc Lự là điểm du lịch cộng đồng đặc sắc. Ảnh:; Nguyễn Oanh-TTXVN.
Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu của đồng bào dân tộc Lự là điểm du lịch cộng đồng đặc sắc. Ảnh:; Nguyễn Oanh-TTXVN.

Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Từ đó, giúp người dân vừa giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, mặt khác là lợi thế tạo đà cho phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Độc đáo bản sắc văn hóa

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 20 dân tộc cùng chung sống, mỗi đồng bào dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng, tạo nên một bức tranh văn hóa muôn màu ở Lai Châu.

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 1Chợ phiên Sin Suối Hồ, ở xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là không gian văn hóa cộng đồng đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông ở đây. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật múa xòe, trò chơi kéo co của dân tộc Thái, lễ Tủ cải của đồng bào dân tộc Dao, lễ hội Gầu Tào của người Mông, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự. Bên cạnh đó, có di sản nghệ thuật múa Xòe, hát Then của dân tộc Thái được UNESCO công nhận và đang trình công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh Lai Châu được phục dựng, giữ gìn, đóng góp lớn cho các hoạt động quảng bá, phục vụ du lịch. Điển hình như: Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì, lễ mừng cơm mới của người Si La, lễ hội Hạn khuống và lễ hội nàng Han của đồng bào Thái, lễ hội Xên Mường; Tết của người Hà Nhì, nghề thủ công đan lát, chạm, mộc, rèn, dệt và các trò chơi dân gian kéo co, tung còn, ném pao, đu lăng…

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 2Du khách từ miền xuôi lên khám phá chợ phiên Sin Suối Hồ. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Chúng tôi có dịp trở về bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), cách thành phố Lai Châu khoảng hơn 30km. Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, mùa này, cảnh sắc nơi đây thật đẹp, trên cung đường uốn lượn quanh co, cùng với sắc hoa Dã quỳ nhuộm vàng cả triền núi, khiến vùng quê biên giới càng trở nên hấp dẫn du khách.

Khung cảnh chợ phiên vùng cao Sin Suối Hồ không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của đồng bào Mông nơi biên cương Tổ quốc. Ghé thăm chợ phiên Sin Suối Hồ, không khí mua sắm ở chợ rất đông vui, nhộn nhịp, không chen lấn, xô đẩy mà con người cư xử rất nhẹ nhàng, văn minh.

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 3Chợ phiên Sin Suối Hồ họp vào thứ 7 hàng tuần, diễn ra từ sáng sớm cho đến tận trưa. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Sản phẩm bày bán chủ yếu là nông sản do bà con nuôi, trồng hoặc thu hái từ rừng, cùng với những bộ trang phục truyền thống, tấm thổ cẩm do các bà, các mẹ thêu thùa, may dệt. Tận dụng thời gian rảnh không có khách, các bà, các mẹ tranh thủ thêu những tấm thổ cẩm bắt mắt, thu hút khách du lịch. Đặc biệt, ấn tượng nhất những chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong bộ váy sặc sỡ của dân tộc mình.

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 4Phụ nữ Mông mặc trang phục sặc sỡ khi đi chợ phiên Sin Suối Hồ, ở xã biên giới Sin Suối Hồ. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Cũng như các phiên chợ vùng cao, chợ Sin Suối Hồ được họp phiên vào thứ bảy hàng tuần và diễn ra từ sáng sớm đến 11 giờ trưa. Người Mông bản Sin Suối Hồ đến nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, từ trang phục truyền thống đến các món ăn ẩm thực. Vào phiên chợ hay dịp khách du lịch tới thăm, bà con còn tụ tập giao lưu văn nghệ để du khách thưởng thức.

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 5Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu của đồng bào dân tộc Lự là điểm du lịch cộng đồng đặc sắc. Ảnh:; Nguyễn Oanh-TTXVN.

Chia tay bản Sin Suối Hồ, chúng tôi tiếp tục di chuyển về xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu), một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Lự sinh sống. Dẫn chúng tôi tới thăm các hộ gia đình ở bản Thẳm, chị Lò Thị Đi, công chức văn hóa – xã hội xã Bản Hon cho biết: Người Lự ở đây có nhiều phong tục tập quán độc đáo, trong đó nghề dệt thổ cẩm là một trong những nét văn hóa đặc sắc và hấp dẫn du khách.

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 6Người dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường lưu giữ được nhiều nét truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Hiện nay, gia đình người Lự nào cũng có một chiếc khung cửi đặt bên góc nhà. Theo già làng người Lự, để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm, hay những bộ trang phục độc đáo thì phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo như: trồng bông, bật bông, xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn... Tất cả các công đoạn đều tự làm bằng tay, mất rất nhiều thời gian, khoảng 6 - 7 tháng mới làm xong một bộ quần áo hoàn chỉnh.

Tạo đà cho phát triển du lịch

Với văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc đã mở ra tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch văn hóa tỉnh Lai Châu. Hiện Lai Châu có các bản văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu như: Bản Vàng Pheo, xã Mường So và bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); Bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), bản San Thàng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu)... Các điểm du lịch cộng đồng này thường xuyên duy trì hoạt động văn nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian và từng bước tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, tìm hiểu.

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 7Thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường được dệt thủ công rất công phu và hoa văn sắc sảo. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ hiện có 135 hộ gia đình với 702 nhân khẩu và 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Tận dụng tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa dân tộc Mông, bản đã xây dựng nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch. Đến nay, trong bản có 20 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng và một hợp tác xã Trái tim đáp ứng từ 300 - 400 khách du lịch, với giá 100.000 đồng/khách/đêm. Trung bình một suất ăn từ 100.000đồng – 120.000 đồng/suất.

Năm 2015 bản Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng. Nhờ có du lịch mà đời sống của người dân trong bản ngày được cải thiện. Bản Sin Suối Hồ hiện đang trú trọng đến du lịch trải nghiệm, hướng du khách trải nghiệm về những phong tục độc đáo của người Mông trong lễ hội, lễ cưới, sinh hoạt hàng ngày.

Những năm qua, lượt khách du lịch đến với bản Sin Suối Hồ ngày một đông. Năm 2019, bản đón gần 20.000 lượt khách du lịch đến thăm. Du khách Nguyễn Mai Hương đến từ Hà Nội chia sẻ: Cách làm du lịch ở một bản vùng sâu, vùng xa này rất đặc biệt, trong bản rất sạch sẽ, không rác thải. Các tiêu chí văn hóa, dịch vụ rất tốt, món ăn ngon, con người thân thiện, đặc biệt, người Mông ở đây vẫn giữ được tất cả nét văn hóa của dân tộc.

Anh Lê Đình Thiện, hướng dẫn viên du lịch thuộc Công ty Du lịch New Trend Hà Nội tâm sự: Anh thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở đây rất tốt, có sự kết hợp giữa lưu trú, ăn uống và tham quan cùng đồng bào Mông.

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 8Bà Tao Thị Giọt, người dân tộc Lự ở bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường may vá bên hiên nhà sàn của mình. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Đối với đồng bào dân tộc Lự ở xã Bản Hon, một trong 16 dân tộc ít người ở nước ta. Toàn xã Bản Hon hiện có 535 hộ gia đình người Lự sinh sống, chiếm trên 91%. Những năm qua, nhiều lễ hội truyền thống như lễ cúng rừng, cúng cơm mới, cúng trâu, cùng các nghề truyền thống mây tre đan, dệt thổ cẩm được giữ gìn, bảo tồn. Tháng 6/2020, Ủy Ban dân tộc Trung ương phối hợp với Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu và chính quyền địa phương thành lập Câu Lạc bộ Văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Lự đặt ở bản Thẳm nhằm duy trì giá trị văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho hay: Những nét văn hóa đặc sắc về đời sống của đồng bào dân tộc Lự là lợi thế để xã thu hút khách du lịch tìm hiểu về văn hóa trong thời gian tới và tạo đà cho phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2019, bản Thẳm, xã Bản Hon được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản văn hóa du lịch cấp tỉnh.

Xác định việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Lai Châu đã triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn theo từng giai đoạn. Theo đó, Lai Châu đã tổ chức 26 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc và khóa tập huấn kỹ năng nghề du lịch; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu và duy trì thường niên 40 lễ hội hàng năm. Đồng thời, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), huyện Mai Châu (Hòa Bình), huyện Mộc Châu (Sơn La)… . 

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển sản phẩm du lịch. Mở rộng liên kết, hợp tác với các trung tâm du lịch lớn, thu hút thị trường khách quốc tế; tiếp tục quan tâm có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành khai thác sản phẩm văn hóa độc đáo của Lai Châu.

Lai Châu gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ảnh 9Chị Tao Thị Ín, người dân tộc Lự ở bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Cùng đó, tăng cường đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch. Đặc biệt, tập trung xây dựng, triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030.

Ngoài ra, trong tháng 12 này tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa đặc sắc, hấp dẫn tới nhân dân và du khách. Cụ thể, tổ chức “Ngày văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” diễn ra từ ngày 18 - 20/12; giải Dù lượn đường trường PuTaLeng mở rộng năm 2020 và hoạt động Khinh khí cầu tại huyện Tam Đường và thành phố Lai Châu diễn ra từ ngày 24 - 27/12/2020.

Việt Hoàng - Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm