Ngày 22/6, tại thành phố Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả khảo sát sản phẩm du lịch của tỉnh, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, cán bộ và doanh nghiệp du lịch trên cả nước.
Sau khi đi tham quan, khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các đại biểu dự hội thảo đã đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của các điểm du lịch, sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đồng thời đưa ra những thực trạng và các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch phiêu lưu cùng Mr Linh, cho rằng Lai Châu cần tìm một sản phẩm cốt lõi để tạo điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch. Qua 2 ngày đi thực tế, ông thấy các điểm du lịch còn thiếu nhiều biển chỉ dẫn để khách du lịch lẻ dễ dàng tìm đến. Chợ đêm San Thàng (thành phố Lai Châu) vào tối thứ Bảy cần được duy trì và huy động đông đảo người dân địa phương tham gia để tạo sự lan tỏa đến với khách du lịch trên cả nước. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng thêm những sản phẩm du lịch như thêu dệt vải, nghề chạm bạc của người Mông để tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch… Giám đốc Công ty Du lịch phiêu lưu cùng Mr Linh cho biết, từ năm 2021 - 2022, mỗi năm công ty sẽ đưa 2.000 khách đến Lai Châu.
Ông Phùng Xuân Khánh, đại diện Công ty Du lịch Thiên Phong, nêu rõ: Lai Châu có tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên tỉnh chưa phát huy được lợi thế sẵn có và kênh quảng cáo chưa được quan tâm. Qua khảo sát, ông Khánh đánh giá, cung đường đèo Ô Quý Hồ là nơi khách du lịch thích trải nghiệm, mạo hiểm, vì vậy Lai Châu nên tận dụng đưa cung đường này trở thành sản phẩm du lịch có giá trị.
|
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lai Châu được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Tỉnh Lai Châu cần đầu tư thêm khu trải nghiệm ban đêm để khách du lịch có thể lưu trú lâu dài tại bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường), gắn các công việc hàng ngày, nghề truyền thống làm sản phẩm du lịch. Tỉnh cũng cần tìm ra sản phẩm đặc trưng riêng và xây dựng lại cổng chào để khách du lịch đến bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) để chụp ảnh và chính họ sẽ là người quảng bá cho địa phương. Tỉnh cần gắn biển cảnh báo ở các khu suối, đèo dốc để khách du lịch chủ động đảm bảo an toàn cho bản thân tại các điểm du lịch mạo hiểm.
Bà Nghiêm Thúy Hà, đại diện Công ty TNHH Du lịch và Thương mại AADASIA Group, nhấn mạnh: Lai Châu có nhiều sản phẩm du lịch, nhưng hạ tầng giao thông chưa được đầu tư và khâu marketing cũng chưa thực hiện bài bản. Du lịch Lai Châu cần có sự kết nối với các địa điểm du lịch của các tỉnh khác như Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái)… để khách đi theo tour; đồng thời sàng lọc những hoạt động văn hóa, văn nghệ để tạo thành sản phẩm riêng thu hút khách du lịch. Trong lĩnh vực ẩm thực, tỉnh cần mời một số đầu bếp nổi tiếng để giới thiệu các món ăn mang đậm văn hóa dân tộc, quảng bá ẩm thực đến du khách.
Ông Nguyễn Văn Tài, đại diện Công ty Du lịch VietSense Travel đưa ra một số giải pháp như: tỉnh chọn sản phẩm có tính chất cạnh tranh, không nên phát triển những sản phẩm mà các tỉnh khác đã triển khai lâu; chỉ tập trung phát triển du lịch theo hai loại hình là phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch có tính thời vụ như mùa nước đổ, mùa lúa chín.
Bên cạnh đó, tỉnh cần thay đổi hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch như tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá; thay đổi tư duy tiếp cận khách hàng chứ không phải để khách hàng tự tìm đến Lai Châu…
Tại hội thảo, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết: Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường liên kết du lịch với Lai Châu, tiếp tục đưa các đoàn khảo sát, các đơn vị kinh doanh du lịch và khách du lịch đến với Lai Châu. Đặc biệt, sở tập trung xây dựng các sản phẩm liên kết, quảng bá, tuyên truyền hai chiều Hà Nội - Lai Châu; tăng cường công tác quản lý để các doanh nghiệp thuận lợi hợp tác cùng phát triển, nhằm đưa các sản phẩm du lịch tốt nhất đến du khách…
Đại diện lãnh đạo, các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu cảm ơn các ý kiến đánh giá, gợi mở những giải pháp của đoàn khảo sát; mong muốn có sự kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp du lịch Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho rằng với những khó khăn và ý kiến đóng góp của các đơn vị, Lai Châu tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, khắc phục các hạn chế về giao thông. Đồng thời, Lai Châu tiếp tục khôi phục các làng nghề có thế mạnh của các dân tộc, các sản phẩm lễ hội, cảnh quan thế mạnh theo mùa như: mùa lúa chín, mùa nước đổ, các lễ hội đặc sắc của các dân tộc… Lai Châu cũng cam kết tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và khách du lịch đến với Lai Châu.
Trước đó, trong hai ngày (20 - 21/6), đoàn khảo sát đã đi tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu gồm: bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, bản Thẳm, bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) và bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ); khu du lịch sinh thái đèo Hoàng Liên, khu du lịch Cầu kính rồng mây; thác Tác Tình và thăm chợ phiên, chợ đêm San Thàng.
Đinh Thùy